Gần đây, Grab, công ty kinh doanh dịch vụ đặt xe qua mạng nổi tiếng của Đông Nam Á lại "hót" tại Việt Nam. GrabBike, công cụ vận hành dịch vụ gọi "xe ôm" của Công ty Grab tại Việt Nam mới đây tuyên bố, kể từ ngày 5/9, tỷ lệ triết khấu hoa hồng tại khu vực Thủ đô Hà Nội sẽ nâng cao 5%, tức công ty sẽ trích 20% cước phí mỗi một đơn dịch vụ của tài xế để làm chi phí vận hành công ty. Quy định mới này khiến không ít tài xế "xe ôm" bức xúc. Một số tài xế ngừng đón khách và gỡ bỏ ứng dụng GrabBike để bày tỏ bất bình. Xích mích giữa tài xế "xe ôm" và công ty trở thành điểm nóng dư luận, cũng phản ánh sự trỗi dậy của dịch vụ gọi "xe ôm" qua mạng tại Việt Nam, hiện ngày càng nhiều người Việt Nam bắt đầu trải nghiệm mốt thời thượng này.
Việt Nam là vương quốc xe máy đích thực của Đông Nam Á. Việt Nam có hơn 90 triệu dân, sở hữu khoảng 45 triệu chiếc xe máy, tức trung bình hai người thì sở hữu một chiếc xe máy. Những công ty cung cấp dịch vụ gọi xe qua mạng nổi tiếng như Grab, Uber nhanh chóng tìm thấy cơ hội kinh doanh từ điều này. Tháng 11 năm 2014, Grab chính thức đưa ra dịch vụ gọi "xe ôm" qua ứng dụng GrabBike tại Việt Nam. Tháng 4 năm ngoái, Uber cũng đưa ra dịch vụ gọi "xe ôm" qua mạng mang tên UberMOTO.
Mô hình mới "In-tơ-nét xe ôm" đã mang lại sự tiện lợi cho người dân Việt Nam khi di chuyển trong quãng đường ngắn. Chị Nguyễn Thu Huyền ở quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội cho biết, nhà chị ở trong ngõ, nhưng "xe ôm" phần lớn lại đỗ tại đầu đường, nơi có đông người qua lại, cho nên trước đây chị phải đi bộ một đoạn đường tương đối dài mới gọi được "xe ôm". Nhưng sau khi xuất hiện các ứng dụng Grab, Uber, chị chỉ cần đặt dịch vụ trên điện thoại di động, "xe ôm" sẽ đến đón chị ở trước cửa nhà mình.
Hơn nữa, "In-tơ-nét xe ôm" cũng tăng thêm nguồn thu cho tài xế "xe ôm". Bùi Đức Anh, tài xế "xe ôm" mặc đồng phục xanh, đội mũ bảo hiểm xanh đang dán mắt vào màn hình điện thoại di động theo dõi những đơn dịch vụ có thể xuất hiện vào bất cứ lúc nào. Bùi Đức Anh cho biết, "Tháng 9 tới anh sẽ bước vào năm thứ 4 Đại học, trong kỳ nghỉ hè, ngày nào anh cũng dành 3-4 tiếng đồng hồ để làm thêm bằng nghề 'xe ôm', anh có thể kiếm 200 nghìn/ngày, thu nhập cao hơn những nghề khác".
Tài xế "xe ôm" và hành khách trả lời phỏng vấn còn cho biết, trước đây việc gọi "xe ôm" hoàn toàn không có kiểm soát, hành khách và tài xế đều khó lường trước được những rủi ro về mặt an toàn. Do vậy, có khi xảy ra những vụ hành khách hoặc tài xế bị cướp, thậm chí bị giết hại. Sau khi xuất hiện dịch vụ gọi "xe ôm" qua mạng, nếu xảy ra chuyện ngoài ý muốn, những thông tin mà tài xế và hành khách đăng ký trên ứng dụng sẽ phát huy vai trò quan trọng của mình. Do vậy, "In-tơ-nét xe ôm" khiến hành khách và tài xế đều cảm thấy an toàn hơn.
Tuy nhiên, là dịch vụ mới, dịch vụ gọi "xe ôm" qua mạng cũng gây áp lực nhất định đối với "xe ôm" truyền thống. Một số tài xế "xe ôm" có tuổi, không biết thao tác ứng dụng trên điện thoại thậm chí lời qua tiếng lại và va chạm với tài xế "xe ôm" qua mạng. Làm thế nào cân bằng lợi ích giữa các bên, điều này đang thử thách trí tuệ của những nhà vận hành ứng dụng và người quan lý.