Tiếng Việt Nam

Mạn đàm về “Ngày của Mẹ”

criPublished: 2022-05-09 20:12:33
Share
Share this with Close
Messenger Pinterest LinkedIn

“Ngày của Mẹ” là Chủ nhật tuần thứ hai của tháng 5, năm nay rơi đúng chủ nhật ngày 8/5. Mặc dù cội nguồn “Ngày của Mẹ” đến từ phương tây, nhưng theo đà thời đại hội nhập, không biết từ bao giờ “Ngày của Mẹ” đã trở thành ngày lễ ấm áp để bày tỏ lòng tri ân dành cho mẹ sớm hôm vất vả, hiến dâng rất nhiều cho chồng con và gia đình mà không bao giờ kể công.

“Ngày của Mẹ” là ngày để tất cả những người làm con có dịp cảm tạ công ơn của mẹ. Về cội nguồn của “Ngày của Mẹ” xuất hiện sớm nhất vào ngày 8 tháng 1 hằng năm thời Hy Lạp cổ đại, nhưng ở các nước Mỹ, Ca-na-da, Trung Quốc và một số nước khác, thì “Ngày của Mẹ” thường vào tuần chủ nhật thứ hai tháng 5 hằng năm. Trong “Ngày của Mẹ”, con cái thường tặng cho mẹ bó hoa Cẩm chướng, để chúc mừng và cảm ơn mẹ. Hoa Cẩm Chướng luôn được ví là hoa Người mẹ. Nhiều nước trên thế giới, con cái tặng mẹ bó hoa Cẩm Chướng nhân “Ngày của Mẹ”, nhưng ở Trung Quốc thì trong “Ngày của Mẹ”, các con thường tặng mẹ bó hoa Cỏ Tuyên, còn gọi là hoa Vong ưu, có nghĩa là hoa quên nỗi buồn, hơi khác với các nước phương Tây, bởi nó liên quan đến lịch sử lâu đời của Trung Quốc.

Hoa Vong ưu còn gọi là hoa Cỏ Tuyên, hoa Kim Châm, hoa Rau vàng, đã được trồng lâu năm tại Trung Quốc. "Thi Kinh”, tập thơ đầu tiên của Trung Quốc cách đây hơn 2000 năm có câu: "Phòng phía bắc âm u, có thể có cỏ Tuyên". Phòng phía bắc chính là phòng ngủ của bà chủ nhà, tượng trưng cho người mẹ trong gia đình. Cho nên ngày xưa những người con thường bày tỏ lòng hiếu thảo của mình với mẹ bằng đóa hoa Cỏ Tuyên, và cũng là để bày tỏ nỗi niềm nhớ nhung của những người con đi xa đối với mẹ. Tình cảm của người Trung Quốc xưa kia dành cho hoa Cỏ Tuyên thường gói ghém cả nền văn hóa truyền thống, phong tục tập quán và tình cảm ruột thịt. Cho nên hoa Cỏ Tuyên còn được gọi là “Hoa Người mẹ”. Về sau có người thiếu phụ trồng hoa Cỏ Tuyên ở trước cửa phòng phía bắc để giải nỗi sầu bởi người chồng đi chinh chiến xa nhà, rồi nên về sau mọi người lại gọi hoa Cỏ Tuyên này là "Cỏ Vong sầu".

Loài hoa rất bình thường này đã gói ghém nhiều nội hàm văn hóa, nhưng đáng tiếc là, rất nhiều bạn trẻ Trung Quốc ngày nay hình như không biết mấy đến nguồn gốc văn hóa của hoa Cỏ Tuyên, họ chỉ cho rằng, cũng như các nước châu Âu, hoa Cẩm chướng mới là loài hoa tượng trưng cho người mẹ .

Nhà thơ Mạnh Giao vào giữa thời nhà Đường Trung Quốc suốt đời sáng tác nhiều bài thơ về người con xa nhà nhớ mẹ, trong đó có bài thơ viết về hoa Cỏ Tuyên như sau :

Cỏ Tuyên mọc đầy thềm

Người con đi xa nhà

Mẹ hiền đứng ngoài thềm

Không thấy hoa Tuyên đâu

Mạnh Giao, là tác giả bài thơ "Du tử ngâm" nổi tiếng, các cháu bé Trung Quốc mới bập bẹ tập nói, cha mẹ bé đã dạy bé đọc thuộc lòng bài thơ này rồi.

游子吟

孟郊

慈母手中线,游子身上衣。

临行密密缝,意恐迟迟归。

谁言寸草心,报得三春晖。

DU TỬ NGÂM

Tác giả :Mạnh Giao- nhà Đường

Từ mẫu thủ trung tuyến,

Du tử thân thượng y.

Lâm hành mật mật phùng,

Ý khủng trì trì quy.

Thuỳ ngôn thốn thảo tâm,

Báo đắc tam xuân huy.

KHÚC NGÂM CỦA NGƯỜI CON ĐI XA

Mẹ cầm sợi chỉ trong tay

Trên mình du tử áo may vội vàng

Sắp đi mũi chỉ kỹ càng

Sợ con đi đó xa nhà quá lâu

Chút lòng tấc cỏ dễ đâu

Bóng ba xuân đáp ơn sâu mẹ hiền

Cuộc đời Mạnh Giao nghèo khổ, cho mãi đến 50 tuổi ông mới được giữ chức quan nhỏ. Do vậy, ông tất nhiên không hề để tâm đến chức quan tép diu này, ông bỏ tâm sức tình cảm của mình đi ngoạn du phong cảnh non nước, sáng tác thơ văn, còn việc công thì chẳng bận tâm, do vậy huyện lệnh chỉ phát cho ông có một nửa phụng lộc. Bài thơ "Du Tử ngâm" do ông sáng tác trong cảnh sinh hoạt bình thường, mộc mạc và tự nhiên, rõ ràng dễ hiểu như nói chuyện vậy, nhưng lại nổi bật tình nghĩa thương yêu mẹ con, đã khơi lên nỗi niềm chung của mọi người, suốt hơn ngàn năm qua vẫn luôn luôn được mọi người ngâm tụng.

Tình thương của mẹ bao la, như ánh nắng mặt trời tắm cho những người con trưởng thành lành mạnh. Tình thương của mẹ luôn luôn để lại nhiều dấu ấn trong ký ức các con, bất cứ đi đâu, bất cứ lúc nào. Đối với Mạnh Giao, một người con xa nhà lâu năm, bôn ba khắp nơi mà nói, cảm nhận sâu sắc nhất đó là giây phút đau khổ day dứt khi phải chia tay với mẹ hiền. Cho nên trong bài thơ này, ông đã mô tả khung cảnh mẹ khâu áo vào trước khi ông xa nhà.

Sau đây xin tặng các bạn một số câu viết về mẹ nhân “Ngày của mẹ”:

- Mẹ là người có thể thay thế tất cả những ai khác, nhưng không có ai có thể thay được vị trí của mẹ.

- Suốt cuộc đời này người con nợ nhiều nhất chính là công lao sinh thành và nuôi dưỡng con của mẹ.

- Ngày của Mẹ đến rồi lại đi nhưng tình yêu con dành cho mẹ thì luôn hiện hữu. Con chẳng cần dịp lễ nào mà luôn nhắc nhở bản thân phải biết ơn công ơn sinh thành, dưỡng dục của mẹ. Cảm ơn mẹ yêu.

- Con biết 2 chữ cảm ơn không bao giờ là đủ cả vì những gì mẹ làm cho con là không bao giờ trả hết được. Con chỉ có thể nói cảm ơn mẹ vì tất cả.

- Tình yêu của mẹ dành cho con không giống bất kì điều gì khác trên thế giới. Nó không biết đến qui luật hay sự thương hại. Nó thách thức tất cả và không khoan nhượng tiêu diệt tất cả những gì cản đường nó.

Biên tập viên:Sảnh Hoa

Share this story on

Messenger Pinterest LinkedIn