GIẢI ĐÁP: THẦY THUỐC HOA ĐÀ VÀ TRIỀU ĐÌNH NHÀ THANH
Sảnh Hoa thân chào quý vị và các các bạn đang có mặt bên máy thu thanh theo dõi mục Hộp thư Thính giả phát trên sóng và trên mạng Đài phát thanh Quốc tế Trung Quốc.
Tiết trời đang ngày càng nắng nóng oi nhiệt, mong các bạn chú ý giữ gìn sức khỏe trong khi thi hành giãn cách chặn dịch COVID-19 nhé.
Các bạn thân mến, sau tiết khí Hạ Chí, kể từ hôm qua 11/7, tiết trời bước vào cái hè nóng nhất trong năm, trong dân gian gọi là “Tam Phục”. “Tam Phục” tổng cộng 40 ngày. Khung thời gian Tam Phục chia làm “Sơ Phục” từ
11/7- 20/7,Trung Phục từ 21/7-8/9, Mạt Phục từ 10/8-20/8. Hễ nhắc đến Tam Phục, nhiều người liền nhăn mặt bởi cái nóng hầm hập trong suốt 40 ngày. Nhưng mọi người lại sơ ý rằng, trong tiếng Hán ngữ, âm PHỤC, na ná giống âm PHÚC, vậy nên cũng có thể hiểu rằng “Tam Phục ” nghĩa là “Tam Phúc”. Trong cái nóng của ngày hè muôn vật đầy sức sống, đó là trước mắt đầy màu của lá cây um tùm, đầm sen đang tỏa hương thơm, trái cây trĩu quả, muôn loài đầy sống động. Phải vậy không các bạn? Mong các bạn chú ý giữ gìn sức khỏe, áp dụng các biện pháp hóng mát hạ nhiệt, không ăn uống những thức quá lạnh nguội.
Sảnh Hoa xin mời quý vị và các bạn theo dõi tiếp mục Hộp thư đầu tuần của Đài phát thanh Quốc tế Trung Quốc.
Trung Quốc có nền văn hóa lịch sử lâu đời, rất nhiều các hiện tượng thiên nhiên, nhân văn và nhân vật nổi tiếng đều gắn liền với pho sử dài sâu. Đài chúng tôi từng giới thiệu với quý vị thính giả bộ sách “Lịch sử Trung Quốc năm nghìn năm” qua tiết mục “Đọc Truyện” do phát thanh viên gạo cội Hùng Anh đọc, nhiều thính giả trong quá trình thu nghe đã cảm nhận nền lịch sử 5000 năm sán lạn của dân tộc Trung Hoa.
Bạn V-T-K viết: Từ lâu, em đã thích tìm hiểu những kiến thức lịch sử cũng như con người Trung Quốc, hôm nay em viết thư mong quý đài giải đáp một số thắc mắc lâu nay của em. Em rất khâm phục những danh nhân lịch sử Trung Quốc. Em xin hỏi:
Một là, Thầy thuốc Hoa Đà sống vào thế kỷ nào? Có phải thời Tần Thủy Hoàng không? Mong chị giới thiệu đôi nét về Thầy thuốc Hoa Đà.
Hai là, Thời nhà Thanh cai trị Trung Quốc từ năm nào? Ai là nhà vua đầu tiên, ai là đời vua cuối cùng?
Bạn V-T-K thân mến, nhiều bạn trẻ cũng như bạn rất thích tìm hiểu về lịch sử Trung Quốc, có lẽ bạn đã xem nhiều phim Trung Quốc lắm nhỉ? Sau đây, Sảnh Hoa xin cùng giải đáp những điều ma bạn muốn tìm hiểu nội dung liên quan lịch sử Trung Quốc.
Trước hết Sảnh Hoa xin đính chính cho bạn: Hoa Đà không phải sống vào thời Tần Thủy Hoàng, mà sống vào đầu thế kỷ thứ hai công nguyên. Hoa Đà tự Nguyên Hóa, người An Huy, là thầy thuốc nổi tiếng thời Đông Hán. Ngay từ thời trẻ, Hoa Đà thường đi khắp nơi học nghề y và chữa bệnh cho dân, ông là người phát minh “Ma phật tán”, tức là thuốc gây mê, đây là một thành tựu y học vĩ đại vào thế kỷ 2 công nguyên, do vậy mà ông rất sành về khoa ngoại phẫu thuật bằng thuốc gây mê, ông là người đầu tiên trên thế giới làm phẫu thuật bằng thuốc gây mê trên thế giới, sớm hơn các nước phương Tây hơn 1600 năm, ngoài sành về khoa ngoại ra ông còn giỏi về khoa nội, khoa phụ, khoa nhi và các khoa về châm cứu . Ông còn “Kiêm thông số kinh, hiểu dưỡng chi thuật”, có nghĩa là giỏi làm thông kinh huyệt, thạo về thuật dưỡng sinh, nhưng ông nhiều lần từ chối làm quan cho triều đình, không chịu chữa bệnh cho các quan lại, mà thường xuyên đi chữa bệnh cho dân, các tỉnh An Huy, Sơn Đông, Giang Tô, Hà Nam v.v... đều in dấu chân ông, ông rất được mọi người kính trọng.
Hồi đó Tào Tháo thường hay bị nhức đầu, bèn mời Hoa Đà đến Hứa Xương để chữa bệnh đau nhức đầu cho mình, Hoa Đà rất không muốn chữa bệnh cho Tào Tháo, nhiều lần thoái thác vì tuổi cao phải về quê dưỡng lão, cuối cùng Tào Tháo cho người đến bắt Hoa Đà. Trước khi bị tử hình, Hoa Đà liền đem bộ sách y khoa mà mình đã dày công chỉnh lý đưa cho lính cai ngục, nhưng người lính này sợ bị liên lụy, không dám tiếp nhận, thấy vậy Hoa Đà hết sức phẫn uất, bèn đốt cháy tập sách đó đi, do vậy mà nhiều bộ sách y khoa vô cùng có giá trị của Hoa Đà không được lưu truyền, hiện nay chỉ còn một cuốn “Trung tàng kinh” của Hoa Đà truyền rằng, cuốn sách này là do người cháu họ của Hoa Đà viết lời đề, nhưng qua khảo sát chưa chắc đã phải là của Hoa Đà viết nên.
Tiếp theo Sảnh Hoa xin giải đáp câu hỏi thứ hai của bạn V-T-K muốn tìm hiểu triều đình nhà Thanh cai trị Trung Quốc từ năm nào? Ai là đời vua đầu tiên, ai là đời vua cuối cùng?
Bạn V-T-K và các bạn thân mến, Nhà Thanh là triều đình phong kiến cuối cùng của Trung Quốc. Lịch sử thời nhà Thanh chia làm hai giai đoạn, đó là từ thời Nô-ha-xích thành lập Hậu Kim vào năm 1616, rồi đến tháng tư năm 1636 Hoàng Thái Cực con trai thứ 8 của Nô-ha-xích xưng đế tại Thẩm Dương Đông Bắc đổi hiệu nước là Đại Thanh. Từ đó triều đình nhà Thanh mở rộng thế lực ra cả nước, năm 1644 triều đình nhà Thanh từ phía Đông Bắc tiến vào Sơn Hải Quan rồi đóng đô tại Bắc Kinh, từ năm 1644 vua Thuận Trị lên ngôi mở màn chính thức cho lịch sử thời nhà Thanh cho đến năm 1912 nước Trung Hoa dân quốc thành lập, rồi nhà Thanh sụp đổ tổng cộng là 268 năm. Trước khi đóng đô tại Bắc Kinh cho đến sau khi từ Sơn Hải Quan vào đóng đô chính thức tại Bắc Kinh, tổng cộng có 12 đời vua đó là Nô-ha-xích, Hoàng Thái Cực, Thuận Trị, Khang Hy, Ung chính, Càn Long, Gia Khánh, Đạo Quang, Hàm Phong, Đồng Trị, Tuyên Thống, tuy Từ Hy Thái Hậu không phải là nhà vua chính thức, nhưng vì bà ta lũng đoạn triều đình nhà Thanh suốt 48 năm, cho nên cũng được coi là vua.
Tóm lại là, triều đình nhà Thanh do dân tộc Nữ Chân tức dân tộc Mãn thành lập nên, là nhà nước đế chế phong kiến cuối cùng của Trung Quốc. Nhà Thanh nằm trong giai đoạn thời kỳ cuối của xã hội phong kiến, đó là giai đoạn đổi thay giữa hưng thịnh và suy bại, trong thời đại đặc biệt như vậy thì trong số 12 nhà vua thời nhà Thanh có vua mang công dựng nước, có vua mang công giữ nước, đồng thời cũng có vua tầm thường vô dụng, thậm chí có vua ăn chơi sa đọa. Do vậy mà đến năm 1912, cuộc cách mạng Tân Hợi do ông Tôn Trung Sơn lãnh đạo lật đổ triều đình phong kiến cuối cùng nhà Thanh, thành lập nên Trung Hoa Dân Quốc.
Các bạn thân mến, Hộp thư kỳ này tạm khép lại tại đây, Sảnh Hoa xin chào và tạm biệt các bạn.