Cầu vồng Hữu nghị: Mùa tựu trường: “Mùa về” và “Tiếng leng keng”
Vào mọi năm, ngày là ngày khai giảng cho học sinh cả nước Trung Quốc và sinh viên cũng sẽ đi học trở lại vào đầu tháng 9. Vì vậy, tháng 9 vốn là “mùa về”, mùa đầy hứa hẹn của học sinh, sinh viên. Trong chương trình hôm nay, Mẫn Linh sẽ giới thiệu với các bạn bài viết của hai bạn lưu học sinh Việt Nam tại Bắc Kinh về ký tức trong mái trường thân yêu. Bài đầu tiên mang tên “Mùa về” của bạn Võ Long, lưu học sinh Việt Nam tại Đại học Sư phạm Quảng Tây, Trung Quốc.
Nhịp bước thời gian không đợi chờ, cứ thế trôi qua mau, tôi như kẻ lang thang phiêu bạt trong không gian ngập tràn ký ức đã nhuốm màu phai phôi. Đã lâu lắm rồi kể từ cái ngày đầu tiên tôi bước chân vào cấp ba, bước chân vào cái tuổi thần tiên ngập tràn mơ ước. Tôi vẫn còn nhớ như in buổi sáng hôm ấy, tiết trời đầu tháng chín, đã không còn cái nóng bức, ngột ngạt của mùa hè và nghe đâu đây trong hơi gió có chút se lạnh của màn sương giăng giăng khắp lối.
Tôi cất bước đến trường với quần áo, sách vở còn thơm mới trong tâm trạng hồi hộp, đầy âu lo. Ngôi trường này sao mà xa lạ quá! Trường mới, bạn mới, cái gì cũng khiến tôi lạ lẫm, bỡ ngỡ. Buổi lễ khai giảng cấp ba đầu tiên ngập tràn những xúc cảm xuyến xao của cái tuổi mười sáu trăng tròn.
Dường như tôi bắt gặp chính mình trong tâm trạng của cậu học trò nhỏ ngày đầu tiên đến trường:“Hằng năm cứ vào cuối Thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường…” (Thanh Tịnh). Vậy mà những cảm xúc trong tôi giờ đây đã có sự đổi thay khi tôi chạm bước ngưỡng cửa tuổi mười bảy đầy mộng ước. Và ngày khai trường lớp 11 ghi dấu trong tôi là không gian yên bình, nên thơ của một buổi sáng ngập tràn nắng và hoa nơi sân trường.
Mười mùa khai giảng của đời học sinh qua rồi mà cái tâm trạng náo nức, lâng lâng niềm vui sướng trong tôi vẫn vẹn nguyên như ngày nào. Vẫn bâng khuâng, vẫn chờ đợi những phút giây vang lên tiếng trống trường trước thềm năm học mới. Có khác chăng là giờ đây tôi không còn lạ lẫm với ngôi trường này, không còn đưa mắt khẽ nhìn xa xăm, gửi thương yêu qua hàng cây tán lá hay khẽ rung tay cô bạn phía trước hỏi chép nội quy.
Tháng tám, những ngày đầu thu, cái cảm giác được quay lại trường học nghe thông báo chuẩn bị đi học thật tuyệt. Tôi sẽ lại được nhìn thấy những tà áo trắng thấp thoáng tung bay trên khắp mọi nẻo đường, lại gặp lại bạn bè thầy cô, rồi cùng lũ bạn kéo nhau ra những quán cóc gần trường, réo rắt tiếng gọi với cô chủ quán thân quen và bắt đầu luyên thuyên biết bao câu chuyện về mùa hè đã qua.
Một mùa tựu trường nữa lại về trong lớp học ngập tràn tiếng cười với những trò nghịch ngợm tuổi học trò, cùng bao buồn vui, âu lo chuyện học hành, thi cử; bên những vòng quay xe đạp đi qua bao lối nhỏ dấu yêu cùng với những câu chuyện bất tận của bạn và tôi…
Mùa tựu trường là mùa của những niềm vui, mùa của hương gió thơm nồng, của những tiếng cười trong trẻo đến lạ thường, của những khúc ca dịu êm tuổi mộng mơ và của nỗi niềm bâng khuâng khó nói về một ngày chia xa.
Xin gửi bao yêu thương cho một thời, của một thời không xa...
Với bạn Võ Long, mùa tựu trường là mùa của những niềm vui. Còn với bạn Viên Khoa, lưu học sinh Việt Nam tại Đại học An Huy, Trung Quốc, thứ mà Khoa khó quên nhất khi nhớ về ngôi trường cấp ba lại là tiếng leng keng. Tiếp sau đây, Mẫn Linh xin chân trọng giới thiệu với các bạn bài viết “Tiếng leng keng” của bạn Viên Khoa.
...
“Thu về rồi, cái nắng trước hiên nhà đã bớt hanh hao, vạn vật bớt sôi động mà bình lặng hơn, tâm hồn con người vì thế cũng trở nên an nhiên, tự tại hơn bao giờ hết. Cùng với đó gió thu bất chợt ùa về, có cái lạnh nhẹ, vướng lại chút hanh hao của ngày hè oi ả như để hong khô những kỷ niệm ướt đẫm mi ai và để ta hồi tưởng, nhớ thương về những gì thân thuộc nhất. Hôm nay, thu lại cùng tôi lật mở lại những trang nhật ký đẹp về năm tháng học trò với tiếng leng keng của những chùm chìa khóa nặng trĩu. Đó là tiếng vọng về từ quá khứ, ngỡ rất gần mà cũng đã rất xa, tiếng leng keng ấy, những chùm chìa khóa ấy, có lẽ là thứ mà tôi khó quên nhất khi nhớ về ngôi trường cấp ba dấu yêu, nhớ về hình ảnh những chú bảo vệ đáng mến mà tôi thường gọi họ là những “anh hùng giữ lửa” cho trường.
Khi vừa mới bước chân vào mái ấm thân thương này – trường tôi, tôi đã nghe không ít lời nhắc nhở về “kỷ luật thép” nơi đây. Vì thế, tôi kiêng dè với mọi thứ để tránh phạm phải bất kỳ lỗi lầm nào. Tuy nhiên, trong những ngày đầu bỡ ngỡ ấy, những người mà tôi cho rằng khô khan nhất đã đem lại thiện cảm đối với tôi - những chú bảo vệ; họ trái ngược hoàn toàn với tưởng tượng của tôi. Họ vô cùng dễ gần và thân thiện. Lúc tôi bối rối khi không biết rõ phòng ốc của trường phải đi như thế nào, các chú đã chỉ dẫn tận tình cho tôi. Những ngày tháng sau đó, tôi và chúng bạn đã thân thiết hơn với các chú. Sau những giờ hoạt động ngoại khóa, có dịp chuyện trò nhiều với các chú, các chú đã cho chúng tôi vô vàn những lời khuyên bổ ích, những sự đánh giá khách quan nhất, đồng cảm với từng suy nghĩ vô tư, con trẻ của chúng tôi và đương nhiên có những lúc rất nghiêm túc chấn chỉnh ngay những hành vi sai trái của chúng tôi.
Điều mà tôi ngưỡng mộ nhất ở các chú là chú nào cũng có trí nhớ thật siêu phàm. Tụi học trò, nhất là những đứa hay tham gia hoạt động của trường hoặc vô cùng nghịch ngợm, không có đứa nào là các chú không nhớ mặt, thậm chí còn nhớ học lớp nào, ai chủ nhiệm, đứa nào vi phạm lỗi gì, đứa nào hay trốn cửa đi trễ. Mấy năm xa trường, các chú vẫn còn nhớ tôi - thằng lớp trưởng cao lêu ngêu với bao trò tinh nghịch và không ít lần nài nỉ được ra khỏi trường hay xin các chú khóa cửa muộn để ở lại bàn công việc lớp.
Các chú cũng thích hù dọa tụi học trò chúng tôi lắm, bởi thế, một đứa hậu đậu như tôi cũng đã gặp không ít tình huống dở khóc dở cười. Có lần ở lại trường họp lớp, tôi quên không lấy xe. Khi ra về, chiếc xe đã “bốc hơi”. Tôi cuống cuồng chạy khắp trường tìm xe trong bộ dạng hoang mang, với gương mặt mếu máo. Mãi một lúc sau, khi mọi hy vọng vụt tắt, một chú đến vỗ vai tôi, tủm tỉm cười rồi dẫn tôi vào phòng bảo vệ. Không ngờ chiếc xe mà tôi ngỡ như đã “thất lạc” lại được cất cẩn thận ở đây. Thế mà các chú lại giả vờ như không hề hay biết làm tôi một phen thót tim. Một chú cười nhắc nhở tôi: “Lần sau cháu nhớ cẩn thận không mất xe đấy”. Qua lần đó, tôi đã bớt đãng trí, nhớ lời các chú dặn có làm gì cũng nhớ hết giờ ra lấy xe và khóa xe cẩn thận.
Rồi những năm tháng cấp ba của tôi cũng trôi qua nhẹ như gió mây giữa bầu trời quang đãng, đã đến ngày tôi cũng phải xa mái ấm này mặc dù lòng không muốn. Đối với lũ bạn của tôi, chúng nhớ về mái trường, về các thầy cô, về những kỷ niệm; nhớ những ngày hè nắng chang chang cùng nhau đem bưởi đến lớp gọt ăn; nhớ những mùa đông ngồi sát nhau đến phát nóng. Riêng tôi, ngoài những điều đó, tôi còn nhớ tiếng leng keng của những chùm chìa khóa nặng trĩu trên vai các chú bảo vệ. Âm thanh ấy mãi cứ quanh quẩn trong đầu tôi và có lẽ sẽ còn vang vọng mãi trong lòng tôi trên những chặng đường dài. Tôi thật sự quý các chú như những người thân trong gia đình mình, tôi vô cùng trân trọng từng lời khuyên các chú dành cho tôi và thương lắm những giọt mồ hôi lăn trên má của những “anh hùng - người giữ lửa” này. Và thật sự các chú là người giữ lửa, bởi lẽ, ngoài công việc đơn thuần của một bảo vệ phải làm, các chú còn là những người thợ kĩ thuật chuẩn bị âm thanh trong những buổi chào cờ, những người dựng sân khấu trong các buổi lễ quan trọng, những người hướng dẫn viên tận tình cho khách khi đến thăm và làm việc ở trường. Tưởng như một ngày thiếu các chú, không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Nhưng chắc sẽ không có chuyện đó đâu vì các chú siêng năng và yêu nghề lắm.
Một chiều tan trường, tiếng mấy chùm chìa khóa lại vang vọng trên dãy hành lang lớp học, các chú lại làm công việc thường nhật của mình như bao ngày. Và trong những ánh mắt ấy không chỉ có đam mê với công việc mà còn là lòng nhiệt thành cùng tình yêu thương dành cho tụi trò nhỏ chúng tôi.
Thu về nhanh lắm, đông cũng sẽ qua, rồi xuân sẽ sang và hè lại đến, các chú cũng sẽ ngày càng “lớn tuổi hơn”. Nên tôi chỉ mong sao các chú có sức khỏe để tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, “ nhẹ tay” hơn cho sự hậu đậu cùng với mấy trò nghịch ngợm của lũ nhóc áo trắng như tôi ngày xưa ấy. Và lòng tôi cũng thầm ước mong thế hệ nào ở mái trường này cũng gặp được những “anh hùng” như các chú.
Nắng thu long lanh... lá rơi xào xạc... leng keng...leng keng...nhớ bâng khuâng...”