Tiếng Việt Nam

Những chiếc nón mang hồn dân tộc

cri2021-06-04 14:24:22

Hình ảnh thiếu nữ Việt Nam trong bộ áo dài thướt tha với chiếc nón trên đầu được sử dụng trong nhiều trường hợp để biểu tượng cho Việt Nam, trong đó bao gồm đồ lưu niệm dành cho du khách. Nếu nói áo dài là quốc phục Việt Nam thì chiếc nón, cũng chiếm vị thế không kém so với áo dài trong văn hóa Việt Nam. Hôm nay, Mẫn Linh sẽ đưa các bạn tìm hiểu “Những chiếc nón mang hồn dân tộc” Việt Nam qua bài viết của bạn Anh Tuấn, lưu học sinh Học viện Hý kịch Trung ương.

Gắn liền với đời sống văn hóa của người Việt, từng trở thành nguồn cảm hứng cho rất nhiều tác phẩm thơ ca, chiếc nón lá đã trở thành một biểu tượng khi nhắc đến văn hóa Việt, là niềm tự hào của mỗi người con đất Việt khi nhớ về.

Hình ảnh người phụ nữ Việt dịu dàng, thanh thoát trong chiếc áo dài cùng chiếc nón lá bài thơ nghiêng nghiêng e ấp như cố giấu đi một ánh mắt, một nụ cười là một hình ảnh đẹp và gợi cảm nhất của người phụ nữ Việt được nhiều người ngợi ca, đi vào nhiều tác phẩm văn học. Chiếc nón lá đã xuất hiện trong thơ cổ:

“Dáng tròn vành vạnh vốn không hư,

Che chở bao la khắp bốn bờ.

Khi để (đội) tưởng nên dù với tán,

Khi ra thì nhạt (lạt) nắng cùng mưa.

Che đầu bao quản lòng tư túi,

Giúp chúa nào quen nghĩa sớm trưa.

Vòi vọi ngồi trên ngôi thượng đỉnh,

Ai ai lớn nhỏ đội ơn nhờ.”

Chiếc nón còn có mặt trong sách vở thi ca, qua câu hò tiếng hát của người bình dân để ngợi ca tình yêu trai gái... và trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống vô cùng đẹp và lãng mạn của người Việt.

Nhiều loại nón ngày xưa, nay không còn được sử dụng và mai một. Có loại nón được cách tân cho phù hợp với thời đại và thị hiếu thẩm mỹ của con người, làm cho chiếc nón vượt lên khỏi chức năng “che mưa che nắng”, trở thành đồ trang sức, làm duyên cho người phụ nữ. Có thể nói không có dân tộc nào có chiếc nón, như chiếc “nón lá” gắn bó, gần gũi với con người như dân tộc Việt Nam!

Tên gọi chiếc nón ở nước ta rất phong phú. Theo thông thường, chiếc nón khi ra đời được đặt tên theo vật liệu làm nên nó. Như nón lá, nón rơm, nón đệm, nón lá buông, nón dứa, nón gõ, nón quai thao, nón móp, nón bài thơ... Chiếc nón cũng được đặt tên theo hình dạng, như nón chóp, nón dấu, nón mê, nón mẻ, nón thúng, nón chân tượng giống chân voi...

Nón cũng còn được đặt tên theo địa phương sản xuất, như nón Nghệ, nón Huế, nón Tây Ninh, nón Tân Hiệp (Mỹ Tho)...

“Chợ Dinh bán áo con trai,

Triều Sơn bán nón, Mậu Tài bán kim.”

Nón chuyên dùng thì có tên như “nón tu lờ” của các nhà sư, “nón ngựa” dùng cỡi ngựa, “nón cụ”, nón quai thao dành cho cô dâu, “nón dấu” dành cho lính thú đời xưa...

Nón lá theo người nông dân ra đồng, theo tà áo dài thiếu nữ xuống phố, theo bà theo mẹ ra buổi chợ sớm hôm. Chợ xưa chẳng ồn ào xe cộ, nhưng tấp nập người vào kẻ ra, trên đầu ai cũng có vành nón lá, trông xa xa tinh tươm, đẹp, gần gũi trong lòng người Việt.

Ngoài chức năng che nắng che mưa, chiếc nón lá còn làm hoàn thiện hơn và tôn lên vẻ đẹp của người phụ nữ Việt, kín đáo, thanh thoát nhưng muôn phần quyến rũ. Cũng như chiếc áo dài, nón lá có lịch sử hình thành từ rất lâu đời, vào khoảng 2500-3000 năm về trước, gắn liền với hình ảnh của người dân nước Việt. Người ta đội nón đi chợ, đi trẩy hội.

Ngoài đồng, trong ngõ thấp thoáng những chiếc nón quai thao. Chiếc nón thay quạt làm mát vào những ngày hè oi bức. Chiếc nón như một kỷ vật gửi trao tình cảm của người mẹ ngày tiễn con gái đi lấy chồng. Chiếc nón đi vào biết bao tác phẩm thơ ca, trở thành hình tượng tiêu biểu làm thi vị hóa hình ảnh người phụ nữ Việt: “Quê hương là cầu tre nhỏ, mẹ về nón lá nghiêng che”. Những giai điệu ấy đã khảm sâu vào lòng mỗi người con đất Việt ngay từ những ngày còn ẵm ngửa trong nôi, trở thành một thứ biểu tượng linh thiêng đại diện cho hồn Việt, hồn dân tộc.

Nón Việt có rất nhiều chủng loại, được phát triển lên theo thời gian, ngày càng trở nên tiện dụng và gần gũi hơn. Tuy nhiên, phổ biến nhất vẫn phải kể đến nón lá. Từ nông thôn đến thành thị, không ai không sở hữu một chiếc nón lá. Nón lá vừa toát lên sự đoan trang, bình dị, vừa thể hiện một nét đẹp rất riêng, rất thu hút và quyến rũ.

Để có thể làm ra một sản phẩm giàu tính nghệ thuật như thế, những nghệ nhân làm nón lá đã phải trau chuốt từng đường kim mũi chỉ. Một chiếc nón lá được hình thành chứa đựng biết bao tình cảm của người nghệ nhân gửi gắm vào đó. Nón lá đã trở thành cuộc sống của biết bao người, là nguyên liệu góp phần nuôi sống biết bao người con đất Việt. Ngày nay, tuy nón lá đã không còn quá phổ biến, nhưng những làng nghề truyền thống ấy vẫn tồn tại nguyên vẹn và được trân trọng. Nghề nón khó thì nhiều mà lời thì ít nhưng chúng như một món ăn tinh thần đã bám rễ trong đời sống của mỗi nghệ nhân, khiến họ không thể từ bỏ. Chính vì vậy, mỗi chiếc nón lá ra đời đều mang trong mình một sinh mệnh, một linh hồn và một ý nghĩa riêng biệt, đại diện cho nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của người Việt Nam.

Không chỉ là vật che mưa, che nắng, chiếc nón lá chứa đựng kho tàng lịch sử của nền văn minh lúa nước của người Việt. Nguồn gốc của chiếc nón là câu chuyện kể về một phụ nữ cao lớn, bà luôn đội một chiếc nón làm từ bốn chiếc lá hình tròn. Bất cứ nơi nào người xuất hiện, những đám mây tan biến nhanh và thời tiết trở nên thuận lợi. Sau khi dạy người dân trồng lúa và những loại cây lương thực, vị nữ thần này biến mất. Người Việt biết ơn và đã xây dựng một ngôi đền để tưởng nhớ công ơn của nữ thần.

Người Việt xưa đã cố gắng tạo ra một mô hình chiếc nón tương tự của nữ thần bằng cách xâu những lá cọ lại với nhau và bây giờ nó được gọi là nón lá. Hình ảnh nón lá đã trở nên quá gần gũi và thân thuộc với người nông dân trên những cánh đồng.

Nón lá được làm từ những nguyên liệu đơn giản và sẵn có như lá cọ, lá nón, tre... Nhưng qua bàn tay khéo léo của những nghệ nhân, chiếc nón lá đã trở thành một một biểu tượng của nhiều làng nghề truyền thống. Làng Chương là làng nghề làm nón nổi tiếng trong nhiều thế kỷ qua. Ngoài ra, nón bài thơ là một sản phẩm đã tạo nên thương hiệu cho xứ sở mộng mơ này. Nón bài thơ là một loại nón lá đặc biệt ở xứ Huế, tên gọi của nó bắt nguồn từ đặc điểm là khi soi lên ánh sáng thì bạn có thể thấy một bài thơ hay hình ảnh hoa văn được tạo nên khéo léo, bố cục cân đối hiện lên giữa hai lớp lá nón.

Nón lá có nhiều biến thể từ phiên bản ban đầu sau khi xuất hiện lần đầu tiên hơn 3000 năm trước. Nhiều loại nón phổ biến như nón ba tầm hay nón quai thao có hình dạng phẳng và tròn, đường kính khoảng một mét, với dây đeo ở cằm. Nón quai thao là một phụ kiện quan trọng của phụ nữ nông thôn vào những dịp lễ hội hay chùa chiền. Ngày xưa, người ta phân loại nón theo mức độ của chủ sở hữu. Có một số loại nón dành riêng cho người cao tuổi; những người giàu có và quan lại. Mỗi loại có hình dạng riêng và kiểu cách đặc biệt; đôi khi nón lá cũng khác nhau theo từng vùng miền.

Mỗi vùng miền tại Việt Nam có mẫu chiếc nón lá riêng biệt. Những chiếc nón lá của người miền Tây có sợi chỉ đỏ rất đặc trưng so với những chiếc nón lá Thanh Hóa. Nón lá Huế mỏng và thanh lịch hơn so với những chiếc nón lá của Bình Định.

Nón lá được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau, có khi các bà các mẹ đội nó đi chợ hay người nông dân làm việc trên cánh đồng. Nón lá còn được xem là một biểu tượng của con người Việt Nam hiền hòa. Hơn nữa, nhiều du khách trân trọng nón lá và xem nó là một món quà lưu niệm khi đến thăm Việt Nam.

Dùng để ứng phó với thiên nhiên, như một món trang sức, như một vật để trao đổi tâm tình,... chiếc nón cứ tự nhiên như thế, đi sâu và bám rễ trong tâm thức của mỗi người Việt Nam, trở thành một thứ biểu tượng thiêng liêng cho tâm hồn người Việt. Hình ảnh người con gái trong tà áo dài và đội chiếc nón lá là nét đặc trưng cho người con gái Việt Nam.

....

Mẫn Linh thấy hiện nay ở Hà Nội đã rất hiếm thấy có người đội nón ra phố, chỉ có các cô bán hàng rong vẫn đội để cheống nắng, mưa. Không biết cảm nhận của Mẫn Linh có đúng không? Nhà bạn có nón không? Bạn có hay đội nón không? Mẫn Linh ở Bắc Kinh xa xôi rất mong được trao đổi với các bạn. Các bạn nhớ comment trên fanpage Diễn đàn Tuổi trẻ mạng xã hội FB nhé. Chương trình hôm nay đến đây là hết, cảm ơn sự quan tâm theo dõi của quý vị và các bạn.

Close
Messenger Pinterest LinkedIn