Tiếng Việt Nam

Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba: Trung Quốc và Việt Nam hoàn toàn có năng lực và trí tuệ giải quyết tốt vấn đề trên biển

cri2021-06-04 15:08:27

Mới đây, tại Đông Hưng, Quảng Tây, Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã tham dự hoạt động kỷ niệm 20 năm hoạch định biên giới và 10 năm phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền Trung-Việt. Bộ trưởng Ngoại giao hai nước cùng tham quan cột mốc biên giới, và tô sơn lên cột mốc đầu tiên của mỗi nước. Hai bên nhất trí bày tỏ sẽ không quên nguyện ước ban đầu, kế thừa quá khứ, mở ra tương lai, cùng viết nên trang sử mới cho hợp tác hữu nghị biên giới Trung-Việt, thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung-Việt bước lên tầm cao mới. Mới đây, tại Hà Nội, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba đã trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài chúng tôi thường trú tại Hà Nội ý nghĩa của hoạt động lần này, khó khắn đặt ra cho quan hệ hai nước cũng như đề nghị về tăng cường hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới. Trong chương trình hôm nay, mời các bạn cùng nghe nội dung liên quan cuộc phỏng vấn Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba.

Nói về ý nghĩa của hoạt động kỷ niệm 20 năm hoạch định biên giới và 10 năm phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền Trung-Việt, Đại sứ Hùng Ba cho biết:

“Hai bên tổ chức hoạt động như vậy trong tình hình hiện nay là nhằm nhìn nay nhớ xưa, không quên sứ mệnh và ước nguyện ban đầu của tình hữu nghị truyền thống Trung Quốc – Việt Nam, ghi nhớ lý tưởng và niềm tin chung của mỗi bên, thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung – Việt không ngừng phát triển lên phía trước, trao nội hàm thời đại mới cho tình hữu nghị truyền thống giữa hai nước”.

Theo Đại sứ Hùng Ba, Trung Quốc và Việt Nam hoàn thành đàm phán về hoạch định biên giới trên đất liền giữa hai nước thông qua hiệp thương hữu nghị theo luật pháp quốc tế, tham khảo thực tiễn quốc tế dựa trên tinh thần “lấy đại cục làm trọng, cảm thông và nhượng bộ lẫn nhau, công bằng hợp lý, hiệp thương hữu nghị” dưới sự quan tâm và chỉ đạo trực tiếp của Lãnh đạo hai Đảng và hai nước. Việc ký kết thành công “Hiệp ước Biên giới trên đất liền Trung Quốc – Việt Nam” là quyết đoán quan trọng của hai Đảng, hai nước đứng trên tầm cao lịch sử và tương lai, hướng tầm ngắm vào lợi ích căn bản và lâu dài của nhân dân hai nước, đã đặt nền tảng vững chắc cho thực hiện ổn định lâu dài và phát triển phồn thịnh của biên giới hai nước, tạo điều kiện có lợi cho sự phát triển ổn định và lành mạnh của quan hệ Trung Quốc – Việt Nam, cũng gây dựng hình mẫu thành công cho giải quyết vấn đề biên giới trên đất liền thông qua hiệp thương và đàm phán giữa nước và nước.

Đại sứ Hùng Ba cho rằng, vấn đề trên biển là vấn đề quan trọng duy nhất chưa được giải quyết giữa Trung Quốc và Việt Nam, là khó khăn lớn nhất đặt ra cho sự phát triển của quan hệ hai nước hiện nay. Đại sứ Hùng Ba cho rằng hai nước hoàn toàn có năng lực và có trí tuệ giải quyết tốt vấn đề trên biển thông qua hiệp thương và đàm phán song phương.

“Thực tiễn thành công của Trung Quốc và Việt Nam trong giải quyết vấn đề hoạch định biên giới trên đất liền và Vịnh Bắc Bộ qua đàm phán đã chứng minh, hai nước Trung Quốc và Việt Nam hoàn toàn có năng lực, có trí tuệ giải quyết tốt vấn đề trên biển thông qua hiệp thương và đàm phán song phương. Sự thật chứng minh, kiên trì láng giềng hữu nghị là sự bảo đảm chính trị cho xử lý thỏa đáng các vấn đề nhạy cảm, kiên trì đối thoại và hiệp thương là con đường đúng đắn giải quyết bất đồng giữa hai bên. Miễn là hai bên đều kiên trì xuất phát từ đại cục, tuân thủ nghiêm ngặt các nhận thức chung, đối xử chân thành, đi cùng một hướng thì nhất định có thể tìm được giải pháp mà hai bên đều có thể chấp nhận. Trước khi vấn đề được giải quyết triệt để, hai bên cần tích cực tìm kiếm và thảo luận các biện pháp cùng có lợi cùng thắng chuyển tiếp như cùng khai thác, từng bước tích lũy sự tin cậy, tạo điều kiện cho cuối cùng giải quyết vấn đề”.

Đại sứ Hùng Ba đề nghị, trước mắt, hai bên cần vận dụng tốt cơ chế tham vấn trên biển liên quan, tăng cường đối thoại và trao đổi, kiểm soát thỏa đáng bất đồng, thúc đẩy hợp tác thực chất, tích cực nỗ lực nhằm thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển lành mạnh và ổn định, giữ gìn hòa bình và ổn định của khu vực.

20 năm qua, dưới sự nỗ lực chung của hai bên, khu vực biên giới Trung Quốc – Việt Nam đã thay da đổi thịt. Đường biên giới trên đất liền dài gần 1450km đã là nhịp cầu quan trọng thúc đẩy hợp tác cùng có lợi giữa hai nước và giao lưu đi lại hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Trung Quốc liên tục nhiều năm duy trì vị thế đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, là thị trường nhập khẩu hàng nông sản lớn nhất của Việt Nam và là nước nguồn nguyên vật liệu quan trọng của ngành chế tạo Việt Nam, trong đó tổng kim ngạch biên mậu hàng năm vượt quá 110 tỷ Nhân dân tệ, giao lưu đi lại qua các cửa khẩu trên bộ đạt 23 trịêu lượt người.

Sau khi xảy ra dịch COVID-19, các tỉnh thành liên quan tại khu vực biên giới hai nước đã xây dựng cơ chế hợp tác, phối hợp phòng, chống dịch bệnh, tích cực bảo đảm kênh thương mại hai nước thông suốt trong khi bảo đảm hiệu quả an ninh y tế của khu vực biên giới, góp phần tích cực cho hai nước trù tính chung thúc đẩy phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế-xã hội.

Về hai bên cần làm thế nào để tăng cường hợp tác trong thời gian tới, Đại sứ Hùng Ba cho biết:

“Việt Nam nằm trên con đường quan trọng kết nối Trung Quốc và ASEAN nói riêng và kết nối Trung Quốc và Á-Âu nói chung, hai bên cần thúc đẩy hợp tác song phương và khu vực phát triển thông qua tăng cường hợp tác khu vực biên giới. Cần đẩy nhanh kết nối và hội nhập ‘Một vành đai, một con đường’ và ‘Hai hành lang, một vành đai’ tại khu vực biên giới, tăng thêm cường độ kết nối xây dựng cơ sở hạ tầng, thúc đẩy các yếu tố sản xuất lưu thông thông suốt, góp phần xứng đáng cho thúc đẩy hợp tác Trung Quốc – ASEAN và nhất thể hóa kinh tế khu vực”.

Thời gian gần 8 năm, hơn 2000 cột mốc biên giới, việc hoàn thành phân định, cắm mốc biên giới giữa Trung Quốc và Việt Nam đã đổi lại yên bình cho người dân biên giới hai nước. Trung Quốc và Việt Nam núi liền núi, sông liền sông, như môi với răng, tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước lâu đời. Mặc dù tranh chấp giữa hai nước trong vấn đề trên biển không ngớt, nhưng đường biên giới trên đất liền lại luôn giữ hòa bình và yên bình. Đi giữa vùng biên giới hai nước trước khi xảy ra dịch bệnh, đâu đâu cũng là những cảnh tượng bận rộn, tấp nập. Đi làm qua biên giới, dạo chợ đêm xuyên biên giới, đây là những hình ảnh sống động về cuộc sống ngày thường của người dân biên giới hai nước. Không có sự hòa bình và yên bình của khu vực biên giới thì không có hòa bình và hữu nghị của quan hệ hai nước. Trung Quốc và Việt Nam hữu nghị không những phù hợp lợi ích chung của hai nước, mà càng là nguyện vọng chung của người dân khu vực biên giới. Đúng như Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đã nói khi tham dự Hoạt động kỷ niệm 10 năm phân giới cắm mốc biên giới trên bộ Trung – Việt: Chúng ta phải làm cho biên giới Trung – Việt phục vụ tốt hơn sự phát triển của hai nước và phúc lợi của nhân dân.

Đối với vấn đề trên biển, Trung Quốc và Việt Nam đã tích lũy được những kinh nghiệm quý báu trong quá trình phân định biên giới trên bộ, hoàn thành hoạch định biên giới trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ. Hai nước hoàn toàn có năng lực cũng có trí tuệ tiếp tục giải quyết tốt vấn đề trên biển qua đàm phán và hiệp thương. Chúng ta cần tham khảo kinh nghiệm thực tiễn thành công về phân giới cắm mốc biên giới trên bộ sớm giải quyết vấn đề trên biển.

Close
Messenger Pinterest LinkedIn