Nhiều dự án hứa hẹn thúc đẩy hợp tác thương mại Việt - Trung
Hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1991 đến nay. Tháng 12/2023, chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã xác lập dấu mốc lịch sử trong quan hệ hai nước, mở ra cơ hội và triển vọng hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, đầu tư và thương mại trong bối cảnh mới.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), nhờ nỗ lực của cả hai phía, đặc biệt là quyết tâm chính trị của hai Đảng, hai Nhà nước mà quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc ngày càng được củng cố và phát triển.
“Việc hiệp định RCEP đi vào thực thi đã tạo điều kiện tốt hơn nữa thúc đẩy thương mại giữa Trung Quốc với các nước thành viên ASEAN, nhất là với Việt Nam - là một nước láng giềng có vị trí địa lý gần gũi và cơ cấu xuất nhập khẩu mang tính bổ sung ngày càng cao. Trung Quốc và Việt Nam cũng cam kết thúc đẩy mạnh mẽ hơn quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện lên một tầm cao mới - đây chính là điều kiện thuận lợi cho gia tăng hoạt động trao đổi thương mại giữa hai nước,” Tiến sĩ Lê Xuân Sang đánh giá.
Với nhiều lợi thế trong hợp tác kinh tế thương mại như lợi thế cạnh tranh, sự gần gũi về mặt địa lý, tương đồng trong văn hoá, gu ẩm thực, nhu cầu tiêu dùng, nhiều năm qua, trao đổi thương mại giữa Việt Nam - Trung Quốc vẫn duy trì đà tăng trưởng ổn định và bền vững. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam và Trung Quốc chiếm 1/4 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới. Ở chiều ngược lại, Việt Nam là một trong các đối tác thương mại quan trọng của Trung Quốc với thế giới, đối tác lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN.
Tiến sĩ Lê Xuân Sang, chuyên gia kinh tế, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
Đánh giá về triển vọng tương lai, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Sang cho rằng có nhiều dự án hứa hẹn sẽ tạo ra các động lực lớn cho hợp tác thương mại song phương. Đáng chú ý trong số đó là các dự án kết nối đường sắt Việt Nam - Trung Quốc một cách toàn diện, hiệu quả.
Hiện nay, các tuyến tàu liên vận Việt Nam - Trung Quốc - châu Âu đã được đưa vào hoạt động và dần gia tăng tần suất. Theo học giả Việt Nam, các tuyến tàu liên vận kết nối Việt Nam với Trung Quốc, các nước Trung Á và châu Âu, hứa hẹn có hiệu quả rất cao trên phương diện tiết kiệm chi phí, đa dạng hóa và hạn chế rủi ro thương mại.
“Đánh giá chung thì đây là một kênh vận tải hàng hoá vừa giúp giảm chi phí đầu vào vừa giúp hàng hoá Việt Nam tiếp cận nhanh nhất với các thị trường Trung Quốc, Trung Á, châu Âu…Việt Nam có quan hệ tốt đẹp với các nước như Trung Quốc, Mông Cổ, Nga, Ba Lan… điều này giúp tránh các rủi ro liên quan đến địa kinh tế, địa chính trị, xung đột trên biển, dịch bệnh… - những yếu tố tác động mạnh đến thời gian vận chuyển cũng như giá thành năng lượng vận tải thời gian gần đây, ” ông Lê Xuân Sang chỉ ra.
Cùng với đó, mới đây, Chính phủ Việt Nam đã công bố kế hoạch xây dựng hai tuyến đường sắt tốc độ cao kết nối vùng đồng bằng sông Hồng với Trung Quốc cụ thể là tuyến đường sắt Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và tuyến đường sắt Lạng Sơn - Hà Nội, ưu tiên chuẩn bị và khởi công trước năm 2030. Nếu việc đầu tư hệ thống đường sắt được hiện thực hóa, thương mại biên giới tại cửa khẩu hứa hẹn phát triển mạnh mẽ. Mạng lưới đường sắt khép kín sẽ góp phần quan trọng trong gia tăng hiệu quả vận chuyển hàng hóa và hành khách giữa Việt Nam với Trung Quốc và ASEAN. Quan trọng là việc kết nối đường sắt giữa hai nước cần đảm bảo hiệu quả, lợi ích lâu dài trên các phương diện bền vững về thương mại, nợ công và an ninh hai bên, vị chuyên gia lưu ý.
Trung Quốc và Việt Nam có chung đường biên giới trên bộ, trên biển và đường thủy. Chiều dài biên giới đường bộ gần 400 km, đi qua địa phận 7 tỉnh phía Bắc của Việt Nam. Đặc điểm này mang lại cho hai nước lợi thế để phát triển kinh tế, nhất là kinh tế thương mại khu vực biên giới, cửa khẩu. Tuy nhiên, năng lực thông quan hiện nay của các cửa khẩu còn hạn chế, đặc biệt là các cửa khẩu phía Việt Nam, trong nhiều quy trình hiện đang áp dụng hình thức nhập dữ liệu thủ công truyền thống, ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả thông quan hàng hoá. Trong bối cảnh đó, hai nước đã đề xuất hợp tác và hiện đang từng bước triển khai dự án hải quan thông minh, ứng dụng bằng công nghệ để tương thích hoá hệ thống và nâng cao năng lực, hiệu quả thông quan tại cửa khẩu.
Là người đã trực tiếp tham quan một cửa khẩu thông minh bên phía Trung Quốc, chuyên gia Lê Xuân Sang đánh giá rất cao hiệu quả tiềm năng của dự án mang lại, đặc biệt là thông quan từ xa thuận tiện hơn nhiều.
“Những chuyến xe chở nông sản từ khoảng cách xa hàng nghìn km, nếu đảm bảo khai báo hợp lệ và được chấp thuận thông quan từ xa thì sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian, thủ tục, giảm độ bất định trong xuất khẩu hàng hoá, nhất là đối với hàng nông sản; qua đó, giảm thiểu thiệt hại cho các doanh nghiệp,” vị học giả chia sẻ.
Tiến sĩ Lê Xuân Sang cho rằng, để những dự án nói trên triển khai được hiệu quả thì hai bên vẫn cần thêm rất nhiều nỗ lực, đặc biệt là từ phía Việt Nam trên phương diện chuẩn bị nền tảng kỹ thuật, hạ tầng, vốn và nhân lực… Chính phủ hai nước cũng cần tăng cường hơn nữa trong trao đổi thông tin nhằm tăng tính minh bạch, liên tục nâng cao hiệu quả hợp tác, an toàn, vì an ninh kinh tế của hai nước.
Trung Quốc là một thị trường khổng lồ với hơn 1,4 tỷ người tiêu dùng và nhu cầu đa dạng. Hiện nay nhiều nước cũng tập trung khai thác thị trường tiềm năng này nên áp lực cạnh tranh tại đây ngày càng lớn. Do đó, các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp phía Việt Nam cần quan tâm xây dựng uy tín thương hiệu, ưu tiên nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường tỷ dân, cũng như triển khai đồng bộ các giải pháp để hàng hóa xuất khẩu thuận lợi, vị chuyên gia kiến nghị.
Phóng viên: Thanh Xuân
Biên tập viên:Mẫn Linh