Cơ hội lớn cho dừa tươi Việt Nam tại thị trường Trung Quốc
Ngày 19/8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc chính thức ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với dừa tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc, mở đường cho việc xuất khẩu dừa tươi sang thị trường tỉ dân. Lễ ký kết diễn ra nhân chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm đến Trung Quốc từ ngày 18-20/8/2024.
Việc ký kết Nghị định thư nói trên là thông tin hết sức tích cực cho người dân và doanh nghiệp ngành dừa Việt Nam. Trao đổi với Đài chúng tôi, ông Cao Bá Đăng Khoa, Tổng thư ký Hiệp hội dừa Việt Nam cho biết, Việt Nam hiện đang đứng thứ 7 trên thế giới về sản xuất dừa với diện tích khoảng 200.000 héc ta, tập trung chủ yếu ở Đồng bằng sông Cửu Long và Trung du miền Trung. Dù chỉ mới được quan tâm phát triển trong khoảng hơn chục năm trở lại đây, nhưng trái dừa đã trở thành một trong những cây công nghiệp chủ lực quốc gia có giá trị kinh tế lớn. Vì vậy, việc ký được Nghị định thư để xuất khẩu chính ngạch dừa tươi sang Trung Quốc đang mở ra cơ hội cho nhiều địa phương khắp cả nước.
“Như mới đây Hải quan Trung Quốc và Tổng lãnh sự Trung Quốc thông tin, mỗi năm Trung Quốc có nhu cầu nhập khẩu gần 4 tỉ trái dừa tươi với kim ngạch gần 1 tỉ USD, chủ yếu từ Thái Lan, Malaysia, Philippines. Trong khi đó, sản lượng dừa của Trung Quốc mới chỉ đáp ứng được 10%. Điều này cho thấy thị trường của trái dừa Việt Nam là rất lớn,” ông Cao Bá Đăng Khoa nói.
Hiện nay Việt Nam đã có gần 60 loại sản phẩm chế biến sâu từ dừa được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, có thể kể đến như sữa dừa, kem dừa, nước dừa đóng hộp, nước dừa sơ chế… Nghị định thư lần này giúp các doanh nghiệp đang làm ăn với Trung Quốc có thêm một lựa chọn mặt hàng là trái dừa tươi để xuất khẩu.
Năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành dừa (sản phẩm từ dừa và liên quan đến dừa) Việt Nam đã vượt mốc doanh thu 1 tỷ USD (1,065 tỷ USD). Ông Cao Bá Đăng Khoa dự báo, sau khi nghị định thư được ký kết, ước tính kim ngạch xuất khẩu dừa tươi có thể tăng thêm 200 - 300 triệu USD ngay trong năm 2024 và sẽ tăng trưởng mạnh vào các năm tiếp theo. Quả dừa tươi được xuất khẩu sang thị trường tỷ dân không chỉ mang lại lợi ích kinh tế lớn, mà còn tạo động lực để ngành dừa Việt Nam phát triển bền vững, góp phần nâng cao đời sống của người dân vùng nông thôn.
Theo đại diện Hiệp hội, Nghị định thư này đã tạo lập một hành lang pháp lý đầu tiên cho ngành dừa tiến vào thị trường nước bạn. Việc ký được nghị định thư đã giải toả được khúc nghẽn tồn tại trong tất cả các cuộc đàm phán giữa Hiệp hội, doanh nghiệp hai bên trong thời gian vừa qua.
Ông Khoa cho biết, trước đây Hiệp hội cũng tích cực tiếp xúc với các đối tác tại Trung Quốc và nhận được sự ủng hộ lớn, phía bạn bày tỏ sự yêu thích đối với sản phẩm dừa Việt Nam, mong muốn nhập khẩu tiêu thụ. Tuy nhiên, do chưa có cơ sở pháp lý chính thức nên đàm phán nhiều lần đi vào ngõ cụt. Khoảng 1 năm trở lại đây, khi đàm phán có những tiến triển tích cực, rất nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã tới Việt Nam để trực tiếp thu mua các sản phẩm sơ chế từ trái dừa với kế hoạch kinh doanh hết sức bài bản.
“Giờ đây chúng tôi sẽ nối lại đàm phán trước đó với các đối tác nước bạn. Trong tháng 9/2024, Hiệp hội Dừa Việt Nam sẽ cùng cộng đồng doanh nghiệp tham dự nhiều hội chợ trái cây, hội chợ thực phẩm tại Trung Quốc. Hiệp hội đang thỏa thuận một số điều khoản để ký kết thỏa thuận hợp tác (MOU) với Hiệp hội Dừa Hải Nam, Hiệp hội trái cây, rau quả Quảng Đông, các chợ đầu mối lớn Trung Quốc, nhằm tạo động lực cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường, sản phẩm ngành dừa Việt Nam sớm hiện diện nhiều hơn tại thị trường Trung Quốc,” ông Khoa thông tin.
Nhằm quảng bá rộng rãi thương hiệu dừa Việt Nam, Hiệp hội cũng tăng cường tham gia nhiều hoạt động xúc tiến thương mại tại Trung Quốc, trong đó có tổ chức roadshow quảng bá (chương trình chung cho ngành dừa, sầu riêng và cá sấu) tại Bắc Kinh vào tháng 9/2024, kế hoạch tham gia các hội chợ quốc tế uy tín như CAEXPO tại Nam Ninh (Quảng Tây) tháng 9/2024, CIIE tại Thượng Hải tháng 11/2024…
“Mục tiêu của chúng tôi là đi thẳng vào sâu nội địa, tiếp cận các thị trường có yêu cầu về phẩm chất cao như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân, …” ông Cao Bá Đăng Khoa cho hay.
Theo vị đại diện Hiệp hội, các doanh nghiệp và bà con trồng dừa hiện đang khẩn trương hoàn thiện mình để sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng đề ra. Các cơ quan chức năng đã cung cấp thông tin, tập huấn, hướng dẫn bà con canh tác dừa theo tiêu chuẩn GAP, Global GAP, hữu cơ… để nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng nông trại dừa hữu cơ, đăng ký mã vùng trồng và mã sản phẩm xuất khẩu cho trái dừa tươi…
Ông Khoa đánh giá, trình độ tiêu thụ của người dân Trung Quốc hiện nay rất cao, nhiều yêu cầu nghiêm ngặt về xuất xứ, chất lượng sản phẩm… Để trái dừa Việt Nam cạnh tranh được với các nước như Thái Lan, Philippines, Malaysia… tại thị trường tỉ dân, doanh nghiệp Việt Nam cần nghiêm túc thực hiện theo hướng dẫn, minh bạch thông tin, tạo dựng thương hiệu vững mạnh, dài hạn và thân thiết hơn với người tiêu dùng. Bên cạnh đó cần phải thiết lập ngay hệ thống kho vận logistics, vì đặc thù trái dừa tươi là nặng, cồng kềnh nên cần có giải pháp giảm chi phí vận chuyển để giá thành cạnh tranh hơn.
Phóng viên: Thanh Xuân
Biên tập viên:Hải Vân