Tháng 9 “tất bật” của trái dừa Việt Nam tại Trung Quốc
Tháng 9 vừa qua là khoảng thời gian bận rộn của trái dừa Việt Nam khi xuất hiện tại hàng loạt sự kiện quảng bá khắp Trung Quốc: Từ Quảng Tây đến Quảng Châu, qua Chiết Giang, Giang Tô rồi đến thủ đô Bắc Kinh. Quyết tâm nắm bắt cơ hội vàng của các doanh nghiệp Việt Nam cùng với sự chào đón nồng nhiệt của thị trường tỷ dân hứa hẹn mở ra giai đoạn mới sôi nổi hơn của thương mại nông sản Trung - Việt.
Phóng viên Đài CMG nhận được tin cho hay, ngay sau khi hai nước ký kết nghị định thư thỏa thuận các điều kiện được xuất khẩu dừa tươi Việt Nam vào thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp dừa Việt Nam mà đại diện là Hiệp hội Dừa Việt Nam đã lập tức triển khai các chương trình quảng bá thương hiệu, giới thiệu tiềm năng và mời gọi đầu tư với các đối tác thương mại, nhà đầu tư Trung Quốc.
Định hướng tiếp cận thị trường Trung Quốc thông qua các tỉnh phía Nam, Hiệp hội Dừa Việt Nam đã cùng các doanh nghiệp thành viên tham gia Hội chợ thực phẩm rau quả quốc tế (CIFBE) tại Quảng Châu (khai mạc sáng 25/9) và tổ chức Chương trình giao thương doanh nghiệp trái cây, nông sản Việt Nam – Trung Quốc (Quảng Châu) vào ngày 27/9.
Chương trình giao thương doanh nghiệp trái cây, nông sản thực phẩm Việt Nam - Trung Quốc ngày 27/9 tại Quảng Châu
Chương trình nhằm kết nối trực tiếp doanh nghiệp, hợp tác xã nông sản Việt Nam vào chợ đầu mối Giang Nam, Quảng Châu và một số doanh nghiệp buôn bán thực phẩm, trái cây từ Côn Minh, Quảng Đông, Quảng Tây, Hải Nam … cùng các tập đoàn lớn như tập đoàn Pagoda về kinh doanh trái cây, Tập đoàn Kafelaku kinh doanh thực phẩm đồ uống, cà phê hay Tập đoàn Kingold sở hữu các chuỗi cung ứng…
“Thị trường các tỉnh phía Nam Trung Quốc vốn đã quen thuộc với các loại nông sản Việt Nam do tập quán sinh hoạt, tiêu dùng khá tương đồng, vị trí địa lý gần gũi, giao thông thuận lợi… Những năm qua, điều kiện trao đổi thông tin, kiểm tra giám sát chất lượng sản phẩm với các đối tác tại đây đều khá thuận lợi, đặc biệt các doanh nghiệp dễ dàng tham gia các sự kiện hội chợ, chương trình kết nối giao thương giữa hai nước,” Tổng thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam - ông Cao Bá Đăng Khoa - cho hay.
Trong khuôn khổ chương trình, ngành dừa hai nước đã ký kết các biên bản ghi nhớ (MOU) quan trọng, mở ra cơ hội to lớn cho trái dừa Việt Nam. Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre – Betrimex đã đại diện cho ngành dừa Việt Nam ký kết MOU với Thương hội Nhập khẩu Trái cây Giang Nam (Quảng Châu) về việc đầu tư vùng trồng minh bạch, chất lượng cao, cam kết hợp tác chặt chẽ để đảm bảo nguồn cung ổn định và chất lượng sản phẩm đạt chuẩn xuất khẩu. Hai bên cũng sẽ phối hợp triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá và truyền thông nhằm nâng cao nhận diện thương hiệu và mở rộng thị phần cho sản phẩm dừa tươi Việt Nam, không chỉ tại Quảng Châu mà còn trên toàn thị trường Trung Quốc.
Cũng trong dịp này, Hiệp hội Dừa Việt Nam và Hiệp hội Dừa Hải Nam (Trung Quốc) đã ký kết biên bản ghi nhớ thành lập Trung tâm Thông tin Hiệp hội Dừa Hải Nam tại Việt Nam. Trung tâm này sẽ đóng vai trò là cầu nối thông tin: cung cấp cho thương nhân Trung Quốc dữ liệu về các loại sản phẩm dừa cũng như giá thành mỗi loại tại Việt Nam trong từng thời điểm và ngược lại, doanh nghiệp Việt Nam sẽ được cập nhật thông tin về nhu cầu của thị trường Trung Quốc và mức giá tại đây. Sự hợp tác này nhằm thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết bền vững cho cộng đồng doanh nghiệp ngành dừa hai nước, tạo môi trường kinh doanh minh bạch và an toàn.
Ông Cao Bá Đăng Khoa thông tin thêm: Từ ngày 24/9 - 1/10, Hiệp hội Dừa Việt Nam và các doanh nghiệp hội viên đã tham gia đoàn xúc tiến, kết nối giao thương sản phẩm trái cây, nông sản tại Nam Ninh (Quảng Tây) và Bắc Kinh theo chương trình do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam tổ chức với các hoạt động như: Ngày 27/9, làm việc với Cục hải Quan Nam Ninh, Quảng Tây và Trung tâm kinh tế thương mại Trung Quốc ASEAN; Ngày 29/9, tham dự, trưng bày giới thiệu sản phẩm, quảng báo thương hiệu ngành dừa Việt Nam tại Lễ hội trái cây tại Bắc Kinh.
Doanh nghiệp Việt Nam quảng bá sản phẩm dừa tươi tại Hội chợ Thương mại ASEAN - Trung Quốc lần thứ 21 (CAEXPO 2024) tại Nam Ninh, Quảng Tây. Ảnh chụp ngày 24/9
“Chúng tôi mong hình ảnh của trái dừa tươi Việt Nam được đón nhận ở cả các thị trường phía Bắc Trung Quốc. Đây là những thị trường có giá trị cao, nhu cầu tiêu dùng lớn nhưng lại chưa quen thuộc với các sản phẩm của Việt Nam,” đại diện Hiệp hội Dừa Việt Nam bày tỏ.
Khu trưng bày, quảng bá sản phẩm dừa tươi tại Lễ hội trái cây Việt Nam (Bắc Kinh), ngày 29/9
Không dừng lại ở các kênh thương mại truyền thống, các doanh nghiệp dừa Việt Nam còn chủ động tìm hiểu nhằm tiếp cận thị trường thông qua các kênh thương mại hiện đại. Đó là lý do Hiệp hội giới thiệu doanh nghiệp hội viên tham gia đoàn giao thương xúc tiến thương mại trong lĩnh vực Thương mại điện tử và thương mại số tại Chiết Giang và Giang Tô từ ngày 24-29/9.
“Xuất phát từ đánh giá rằng thị trường thương mại điện tử ở Trung Quốc đã rất phát triển, yêu cầu công bố thông tin và hình ảnh rất chuyên nghiệp, chúng tôi đã định hướng nhóm doanh nghiệp có sản phẩm chế biến sâu, có vùng trồng ổn định hướng đến mở rộng thị trường tại Trung Quốc thông qua môi trường số, đẩy mạnh tối ưu hóa các chuỗi liên kết và chuỗi giá trị cung ứng hàng hóa vào thị trường tỷ dân,” ông Cao Bá Đăng Khoa giải thích.
Việt Nam có khoảng 200.000 hecta trồng dừa với 2 loại chính: dừa công nghiệp và dừa tươi uống nước. Dừa công nghiệp được dùng cho công nghiệp chế biến với hàng trăm loại sản phẩm như dầu dừa, sữa dừa, các loại bánh kẹo, thức uống đóng chai, thạch dừa, mỹ phẩm, thủ công mỹ nghệ, than hoạt tính, thảm xơ dừa, giá thể, phân bón hữu cơ… Dừa tươi uống nước là loại dừa được trồng để sử dụng chuyên cho uống tươi trực tiếp từ trái dừa mà tháng 8 vừa qua, trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm, hai nước đã ký Nghị định thư cho phép xuất khẩu chính ngạch.
Theo Hiệp hội Dừa Hải Nam, Trung Quốc hiện là nước tiêu thụ và nhập khẩu sản phẩm dừa lớn nhất thế giới. Số liệu cho thấy, từ năm 2018 đến 2023, lượng nhập khẩu các sản phẩm dừa vào Trung Quốc đã tăng đáng kể, dừa khô tăng 106%, nước cốt dừa đông lạnh tăng 378%, và dừa tươi tăng 120%.
Hiệp hội Dừa Việt Nam dự báo, với việc ký kết Nghị định thư nói trên, kim ngạch xuất khẩu dừa tươi năm nay có thể đạt 250 triệu USD, chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành dừa Việt Nam.
Phóng viên: Thanh Xuân
Biên tập viên:Mẫn Linh