Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ: Hình mẫu hợp tác bảo vệ môi trường trong khu vực
Tại một quầy bán nước trái cây nhỏ nơi huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ (Việt Nam), người phụ nữ 60 tuổi thành thục chặt từng trái dừa phục vụ khách. Gần 12 giờ trưa là thời điểm quầy hàng của bà Lê Ngọc Tuyết ở ấp Trường Thọ, xã Trường Xuân nhộn nhịp nhất trong ngày, vì đây là lúc các lao động từ nhà máy xử lý rác gần đó tan ca làm buổi sáng, đang trên đường về nhà nghỉ ngơi. Dừng xe tại quầy hàng của bà Tuyết, những người công nhân gọi một trái dừa tươi hoặc một ly nước ép rồi vui vẻ tán gẫu, cảm giác như hết thảy mỏi mệt đều cứ vậy mà tan biến.
Bà Lê Ngọc Tuyết chặt dừa phục vụ khách
Ít ai có thể nghĩ rằng nhịp sống thong thả ấy lại diễn ra ngay cạnh một nhà máy xử lý rác thải - Nhà máy đốt rác sinh hoạt phát điện Cần Thơ - do công ty TNHH Năng lượng Môi trường EB (thuộc tập đoàn Everbright Environment - Trung Quốc) xây dựng. Dự án đi vào vận hành cuối năm 2018 với diện tích 5,3 ha và tổng số vốn đầu tư 47 triệu đô la Mỹ. Đây cũng là dự án đốt rác phát điện đầu tiên có mặt tại thị trường Việt Nam.
Gia đình bà Lê Ngọc Tuyết đã sinh sống ở đây nhiều năm trước khi nhà máy đốt rác đi vào hoạt động. Những ngày đầu nghe tin về dự án, bà Tuyết cũng như biết bao người dân xung quanh đều lo lắng không yên. Bà sợ rằng mùi hôi từ rác sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống và việc buôn bán của mình, quầy hàng nước trái cây sẽ không có khách. Gia đình thậm chí đã tính đến phương án phải chuyển nhà đi xa và bắt đầu lại cuộc sống.
“Nhưng hiện giờ chúng tôi cảm thấy rất tốt, không hề có tiếng ồn hay mùi hôi từ nhà máy. Rác thải sinh hoạt của người dân được thu gom, phân loại theo quy trình, sau đó được đưa tới nhà máy xử lý hết sức sạch sẽ, hoàn toàn không gây bất kỳ ảnh hưởng xấu nào tới khu vực xung quanh,” bà Tuyết nói. Bà còn rất phấn khởi vì từ khi nhà máy đi vào hoạt động, quầy nước trái cây của bà đã đông khách hơn. Lao động tập trung nhiều tại đây giúp thu nhập của các hộ kinh doanh nhỏ như gia đình bà cũng được cải thiện.
Một góc khuôn viên Nhà máy đốt rác sinh hoạt phát điện Cần Thơ
Cần Thơ, cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 160 km, là một trong năm thành phố trực thuộc trung ương của Việt Nam với dân số trên 1,2 triệu người. Những năm trước, tình trạng rác sinh hoạt tập kết lộ thiên đã dẫn đến nhiều tác động xấu đến đời sống và chất lượng môi trường tại các khu dân cư tập trung. Năm 2016, chính quyền thành phố tổ chức đấu thầu và lựa chọn nhà đầu tư xây dựng dự án nhà máy xử lý rác sinh hoạt. Vượt qua các vòng thử thách năng lực, Everbright Environment đã được lựa chọn nhờ công nghệ xử lý đốt rác thải thu hồi năng lượng và sản phẩm tiên tiến hiện đại.
Trao đổi với Đài Đài Phát thanh – Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CMG), ông Từ Cát Khôn, Phó giám đốc dự án Nhà máy đốt rác sinh hoạt phát điện Cần Thơ cho biết: Kể từ khi triển khai xây dựng, vận hành đến nay, nhà máy đều được duy trì hoạt động an toàn, ổn định và hiệu quả. Quy trình tuần hoàn xử lý một nguyên liệu đầu vào và bốn sản phẩm đầu ra (khí thải, nước rỉ rác, tro xỉ đáy lò và tro bay) được kiểm soát chặt chẽ, đáp ứng tất cả các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam. Đặc biệt, nước rỉ rác được xử lý theo công nghệ hiện đại khép kín, sau đó được tái sử dụng hoàn toàn không xả thải ra môi trường, tro xỉ đáy lò được tận dụng làm vật liệu san lấp nền và làm gạch vỉa hè, trở thành những sản phẩm có ích.
Trung tâm điều khiển và quan sát tất cả các khâu xử lý rác, phát điện qua camera
Kể từ khi đi vào vận hành vào tháng 10/2018, dự án đã xử lý bình quân hơn 400 tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày, chiếm khoảng 75% tổng lượng rác được thu gom hàng ngày của thành phố Cần Thơ. Bên cạnh đó, năng lượng từ đốt rác cũng được chuyển hoá thành điện sạch, với 233.5 triệu kWh điện hoà vào lưới điện quốc gia, giúp giảm khí thải carbon và đáp ứng điện tiêu thụ của hàng nghìn hộ gia đình gần đó. Ngoài công tác xử lý rác phát sinh hàng ngày, dự án đã triển khai tiếp nhận và xử lý rác đã qua chôn lấp tại các bãi chôn lấp rác cũ của thành phố. Công tác này đã góp phần tạo nên tín hiệu tốt để từng bước khắc phục những tồn tại mà các bãi chôn lấp rác cũ đã và đang phát sinh, gây bức xúc cho người dân bị ảnh hưởng xung quanh các địa điểm chôn lấp rác.
Vào thứ Sáu đầu tiên của mỗi tháng, nhà máy tổ chức Open Public - hoạt động tiếp đón khách tham quan định kỳ, mục đích để công chúng có thể tận mắt tìm hiểu tình trạng hoạt động thực tế quá trình đốt rác sinh hoạt tạo ra điện. Khách tham quan cũng có thể tự mình cảm nhận không gian xanh được duy trì thông thoáng, sạch sẽ với nhiều cây xanh và hoa bên trong nhà máy, cũng như công tác kiểm soát tiếng ồn và mùi hôi một cách triệt để, không ảnh hưởng tới người dân bên ngoài.
Công chúng tham quan nhà máy Cần Thơ
Những năm gần đây, dự án ngày càng được công chúng biết tới, trong đó có các lao động, sinh viên trên địa bàn thành phố Cần Thơ. Ban lãnh đạo nhà máy cũng ưu tiên trao cơ hội việc làm cho lao động xung quanh khu vực dự án, đến nay tổng lũy kế đã tạo ra gần 200 việc làm ổn định.
Nguyễn Thị Huyền Trân là một trong số những lao động địa phương tại dự án Cần Thơ. Cô gái 25 tuổi đến từ huyện Thới Lai, hiện đã có hơn 1 năm công tác phòng hoá nghiệm của nhà máy. Trân làm việc 5,5 ngày trên tuần, công việc thường ngày là phân tích các mẫu nước, chất lượng mẫu nước, chỉ tiêu kiểm định, phân tích hoá chất nhập kho…
“Gia đình rất ủng hộ em làm việc tại đây vì được ở gần nhà, phúc lợi lại tốt hơn so với các công ty Việt Nam cùng ngành. Công việc này giúp em học hỏi được thêm rất nhiều kiến thức chuyên môn. Công ty còn hỗ trợ đào tạo tiếng Trung, được giao lưu văn hoá với các đồng nghiệp Trung Quốc khiến cuộc sống của em rất nhiều màu sắc, rất thú vị,” Trân chia sẻ.
Nguyễn Thị Huyền Trân thao tác lấy mẫu nước phân tích
Dự án Nhà máy đốt rác sinh hoạt phát điện Cần Thơ nằm trong loạt nỗ lực chung của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Everbright Environment từ năm 2009 đến nay nhằm thúc đẩy cải thiện xử lý rác thải đô thị ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương với hàng loạt dự án ở Trung Quốc và các nước khác. ADB đã hỗ trợ Everbright Environment từ những ngày đầu khi công nghệ đốt rác phát điện ở Trung Quốc vẫn còn trong giai đoạn phát triển sơ khai, khi các công ty tư nhân phải đối mặt với rất nhiều rào cản thị trường và khó khăn về tài chính. Sự thành công của Everbright Environment là hình mẫu khuyến khích khối tư nhân tham gia vào lĩnh vực này, đồng thời đặt ra tiêu chuẩn thị trường và giúp chính phủ Trung Quốc xây dựng hệ thống luật pháp và quy định ở cấp quốc gia và đô thị về xử lý rác thải sinh hoạt. Nhà máy Cần Thơ là dự án FDI đầu tiên của Everbright Environment trong lĩnh vực năng lượng môi trường tại nước ngoài, có ý nghĩa to lớn với tiến trình quốc tế hoá doanh nghiệp.
Nhân viên thao tác xả nước định kỳ tại khu vực lò hơi của nhà máy
Phụ trách điều phối dự án, ông Yee To Wong, chuyên gia cấp cao về đầu tư của ADB đánh giá: "Nhà máy Cần Thơ là dự án chuyển đổi rác thải thành năng lượng đầu tiên ở nước ngoài của China Everbright Environment và cũng là một trong những dự án đối tác công tư (PPP) cấp thành phố đầu tiên của Việt Nam. Đây là một ví dụ điển hình về hợp tác khu vực và chuyển giao kiến thức giữa các nước đang phát triển, có tiềm năng được nhân rộng hơn nữa”.
Tại Việt Nam, Nhà máy đốt rác sinh hoạt phát điện Cần Thơ đã tạo điều kiện thuận lợi giúp chuyển đổi quá trình phát triển quản lý chất thải rắn đô thị từ mô hình nhà nước quản lý sang khuôn khổ kết hợp giữa vai trò của nhà nước với tư nhân, khích lệ khối tư nhân tích cực tham vào hoạt động này.
Sau khi thành công bước chân vào lĩnh vực xử lý chất thải rắn tại thị trường Việt Nam, Everbright Environment đã và đang có thêm nhiều bước tiến mới vững chắc. Tháng 4/2024, tập đoàn đã đưa vào hoạt động Dự án đốt rác phát điện Phú Sơn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế với công suất khoảng 600 tấn rác/ngày đêm. Đây là dự án đầu tiên tại thị trường Việt Nam được xây dựng trên địa hình đồi núi, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp thông thường.
Theo lãnh đạo Everbright Environment, tập đoàn sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động trong lĩnh vực môi trường tại các quốc gia và khu vực tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường, mang những tiêu chuẩn quốc tế đến đóng góp vào lợi ích kinh tế - xã hội và quá trình chuyển đổi, phát triển bền vững của các địa phương.
Phóng viên: Thanh Xuân
Biên tập viên:Thanh Đóa