Tiếng Việt Nam

Thúc đẩy mô hình chăn nuôi chất lượng cao tại Việt Nam

CMG2024-11-18 11:21:35

Giữa những ngọn đồi cao su xanh mướt nối tiếp nhau nơi huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước, thấp thoáng vài tháp trộn cao cao của một nhà máy cỡ vừa. Dù nằm rất xa khu dân cư nhưng những chiếc máy nghiền, máy trộn, xe nâng chỉ khe khẽ phát ra từng đợt âm thanh rầm rì, khiêm tốn ẩn mình bên trong gian nhà kho rộng lớn. Không phải âm thanh ồn ào thường thấy, chính bầu không khí đượm mùi ngũ cốc đặc trưng - thứ mùi pha trộn giữa ngô, sắn, lúa mì và nhiều nguyên liệu khác nữa - mới là điều khiến người qua đường nhận biết được đây là một nhà máy thức ăn chăn nuôi.

Ảnh: Bên trong nhà máy cám New Hope Bình Phước

Tại đây, có tới 120,000 tấn cám cho lợn được sản xuất mỗi năm, toàn bộ để phục vụ nhu cầu thức ăn của đàn lợn 450,000 con trong những trang trại gần đó. Dự án Nhà máy cám kết hợp trang trại lợn của Công ty TNHH Chăn nuôi New Hope Bình Phước (thuộc tập đoàn New Hope - Trung Quốc) cũng hiện là trang trại lợn có quy mô lớn nhất Đông Nam Á.

Năm 2019, dịch tả lợn châu Phi đã gây thiệt hại nặng nề tới ngành chăn nuôi khu vực nói chung và Việt Nam nói riêng. Từ khi được phát hiện tại Việt Nam vào tháng 2/2019, đến tháng 12/2019 dịch bệnh đã khiến gần 6 triệu con lợn bị tiêu huỷ, chiếm khoảng 9% tổng trọng lượng lợn của cả nước. Cùng với việc sản xuất bị thu hẹp, tổng đàn lợn tại Việt Nam vào tháng 12/2019 đã giảm hơn 25% so với cùng thời điểm năm 2018, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung trên thị trường và đẩy giá thịt lợn tăng cao, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống người dân.

Chính vào lúc này, trang trại chăn nuôi New Hope Bình Phước đã đi vào hoạt động với việc đảm bảo từ nguồn thức ăn sạch, con giống tốt, kỹ thuật chăn nuôi theo chuẩn quốc tế. Dự án đã giúp phục hồi lại đàn lợn một cách nhanh chóng, cung ứng lượng lớn thịt đảm bảo chất lượng cho người tiêu dùng, đồng thời góp phần thay đổi quan niệm và mô hình chăn nuôi tại Bình Phước nói riêng và Việt Nam nói chung.

Ảnh: Trang trại chăn nuôi lợn New Hope Bình Phước nằm cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 100 km, chỉ mất 3 giờ lái xe

Ông Trương Hướng Quân (Zhang XiangJun), pháp nhân Công ty New Hope Bình Phước và Phó Tổng giám đốc phụ trách mảng chăn nuôi lợn ở thị trường nước ngoài của Tập đoàn New Hope cho biết:

“New Hope là tập đoàn nổi tiếng toàn cầu về nông nghiệp, chăn nuôi và công nghiệp thực phẩm với hơn 600 công ty con tại khoảng 30 quốc gia. Việt Nam là thị trường nước ngoài tiêu thụ nhiều thịt lợn nhất của New Hope, ước tính 45 - 50 triệu con/năm. Sau khi được triển khai, dự án Bình Phước đã mang công nghệ chăn nuôi tiên tiến nhất trong ngành đến Việt Nam, chú trọng phát triển xanh, bền vững. Để nâng cao hiệu suất, trang trại được xây dựng cùng các thiết bị chăn nuôi tiên tiến, hệ thống giám sát quy trình tự động, hệ thống xử lý nước thải đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt…”.

Thịt lợn chiếm tới hơn 60% nhu cầu về thịt trong các bữa ăn hàng ngày của người dân Việt Nam và vẫn đang có xu hướng gia tăng về lượng. Những năm gần đây, tuy sản xuất thịt lợn trong nước đã tăng ổn định nhưng cũng chỉ mới chỉ đáp ứng được 95% nhu cầu tiêu dùng.

“Hai vùng tiêu thụ thịt lợn lớn nhất Việt Nam là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt, thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đông dân nhất Việt Nam, cách trang trại của New Hope Bình Phước khoảng 100 km, chỉ mất 3 giờ lái xe. Người dân Việt Nam chủ yếu thích ăn thịt lợn tươi, không có thói quen ăn thịt đông lạnh. Đây là lý do khiến 80% sản lượng thịt lợn tươi của New Hope được tiêu thụ tại thành phố Hồ Chí Minh”, ông Trương Hướng Quân cho hay.

Ảnh: Một quầy bán thịt lợn ở thành phố Hồ Chí Minh

Không chỉ tự xây dựng và quản lý hệ thống chăn nuôi khép kín trong các trại tập trung (chiếm 80% tổng đàn lợn), New Hope Bình Phước còn tiến hành chuyển giao công nghệ cho người chăn nuôi thông qua hình thức “trại gia công”, khuyến khích, hỗ trợ nông dân để họ tự chủ trong hoạt động chăn nuôi. Theo mô hình này, New Hope sẽ cung cấp toàn bộ con giống, thức ăn, kỹ thuật, thuốc thú y; hộ nông dân đầu tư chuồng trại và bỏ công chăm sóc.

Ông Phạm Minh Kỳ, 52 tuổi, là một nông dân với nhiều năm kinh nghiệm chăn nuôi lợn tại huyện Đồng Phú. Từ năm 2020, cuộc sống của ông như bước sang trang khác khi ông bắt đầu chuyển từ tự chăn nuôi nhỏ lẻ sang hợp tác với New Hope Bình Phước theo mô hình trại gia công, quy mô 5,000 con lợn.

“Khi lợn con được 23-25 ngày tuổi, công ty sẽ chuyển tới để gia đình nuôi cho tới khi xuất chuồng, tức là vào khoảng 175-180 ngày tuổi, khi lợn đạt trọng lượng trung bình 118 - 120kg/con,” ông Phạm Minh Kỳ chia sẻ.

Ảnh: Lợn con trước khi chuyển tới trại gia công

Trung bình với một đầu lợn xuất chuồng thành công, trừ các chi phí, ông Phạm Minh Kỳ được lãi 500,000 - 600,000 VND. Theo ông, mô hình này đã giúp chia sẻ rủi ro giữa công ty và hộ gia đình, giảm bớt gánh nặng cho người nông dân, giúp gia đình ông có thu nhập tốt hơn.

“Khi mà mình chưa hợp tác với công ty, nguy cơ xảy ra dịch bệnh, giá cả thấp, rủi ro thất bại trong chăn nuôi của gia đình rất cao, vượt quá sức chịu đựng của người nông dân, có thể là mất hết cả nhà. Vay vốn ngân hàng, đóng lãi xong thì nuôi được 1-2 lứa, kể cả 4-5 lứa nếu xảy ra dịch bệnh một lứa cũng mất hết luôn, có khi mất cả vốn, thậm chí mang nợ ngân hàng không trả nổi,” người nông dân bày tỏ.

Từ khi hợp tác với công ty vào năm 2020 đến nay, trang trại gia công của ông Phạm Minh Kỳ chưa từng xảy ra đợt dịch bệnh nào nghiêm trọng. Đây là nhờ công ty thường xuyên đến kiểm tra điều kiện của trại, đội ngũ nhân viên kỹ thuật của công ty ở trong trại trực tiếp giám sát quy trình, kết hợp với giám sát từ xa thông qua hệ thống camera.

“Với mô hình hợp tác gia công, công ty có quan tâm tới an toàn sinh học cao. Công ty có những chiến lược kinh doanh như tự sản xuất con giống, tự sản xuất cám, giá thành sẽ tốt hơn gia đình tự làm. Mà công ty quản lý tốt thì sẽ hiệu quả ở góc độ trọng lượng con lợn nuôi được và thất thoát tài sản thấp,” người nông dân nói.

Với nhiều năm kinh nghiệm chăn nuôi, ông Phạm Minh Kỳ đánh giá sản phẩm thịt lợn của New Hope có chất lượng tốt, mùi vị thơm ngon, ưu thế hơn so với các hãng khác. Theo ông, yếu tố quan trọng giúp thịt có chất lượng như vậy là nhờ nguồn thức ăn tốt do công ty tự sản xuất. Phong cách làm việc sòng phẳng, thanh toán đúng hạn của công ty cũng khiến người nông dân rất yên tâm. Ông Phạm Minh Kỳ không mong muốn gì hơn việc tiếp tục đảm bảo an toàn dịch bệnh, hợp tác lâu dài cùng công ty.

Các trại gia công hiện là nơi chăm sóc 20% tổng đàn lợn của New Hope Bình Phước. Đại diện Trương Hướng Quân cho hay, công ty sẽ tiếp tục mở rộng hình thức hợp tác này, khẳng định cam kết của mình trong gắn bó lâu dài cùng phát triển bền vững với địa phương. Mô hình này vừa giúp tăng quy mô đàn lợn, vừa chia nhỏ rủi ro cho các bên. Trong trường hợp xảy ra dịch bệnh ở một vài hộ, những hộ khác vẫn sẽ được an toàn do phân bố độc lập, thiệt hại nhờ đó mà được hạn chế hơn so với trại tập trung.

Các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ, tiêu chuẩn vệ sinh phòng dịch thấp, ít quan tâm tác động môi trường… từ lâu được cho là những hạn chế mang tính đặc trưng của ngành chăn nuôi lợn ở Việt Nam. Việc New Hope giới thiệu kỹ thuật chăn nuôi theo chuẩn quốc tế đồng thời chuyển giao tới nông dân địa phương đã và đang thúc đẩy sự thay đổi về mô hình và cải tiến công nghệ chăn nuôi trên diện rộng.

Ảnh: Nhân viên dọn vệ sinh chuồng trại

Đồng thời, với nhiều hoạt động sản xuất quy mô lớn như nhà máy cám, trại con giống, trại thịt, trại gia công… , công ty đang tạo ra số lượng lớn việc làm ổn định cho lao động trong khu vực.

Anh Lâm Đál Đa, 32 tuổi, là một trong hơn 600 lao động đang làm việc tại New Hope Bình Phước. Anh Đa là trại trưởng trại con giống Tân Hưng - một trong những trại tập trung của New Hope với quy mô 13,500 con lợn nái. Công việc của anh Đa là ngày ngày lên kế hoạch sản xuất, quản lý và điều phối trên 200 nhân viên, tổ chức phối giống, đỡ đẻ cho lợn mẹ, chăm sóc lợn sơ sinh cho đến khi cai sữa…

Chàng trai người dân tộc Khmer (một dân tộc thiểu số ở Việt Nam) cho biết, bản thân từng trải qua rất nhiều khó khăn mới có được vị trí như bây giờ. Sinh ra ở Sóc Trăng, Đa từng phải vừa đi học vừa đi làm để trang trải cuộc sống, nhưng tốt nghiệp xong cũng không tìm được việc gần nhà.

Ảnh: Lâm Đál Đa trao đổi với đồng nghiệp về nguyên liệu thức ăn

Sau 5 năm đến Bình Phước, Đa nhận thấy thu hoạch lớn nhất mà mình có được là kinh nghiệm và kiến thức trong ngành chăn nuôi.

“[Thu nhập tại New Hope] nói chung là ở mức khá cao so với những trang trại khác ở Việt Nam. Hiện tại em có thể cung cấp cho con gái mọi thứ mà con muốn, như là đồ chơi hay đi học. Dù con muốn học thêm múa hay là học thêm ngoại ngữ bên ngoài em cũng đều có thể lo được,” Đa nói. Đảm bảo được cho con một cuộc sống đủ đầy, êm ấm là điều khiến anh vô cùng hạnh phúc.

Để thực hiện quy trình quản lý khép kín nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh, phòng tránh dịch bệnh cho đàn lợn, các nhân viên chăm sóc như anh Đa sẽ ở bên trong ký túc xá của trại và hạn chế ra ngoài. Mỗi lần trở lại trại làm việc, nhân viên sẽ phải lấy mẫu xét nghiệm và chờ đợi kết quả ở phòng cách ly. Vì những nguyên nhân này, nhiều người nói công việc bên trong trang trại gò bó, mất tự do không khác gì bị giam cầm.

Là người trong cuộc nhưng Đa lại cảm nhận hoàn toàn khác: “Ở đây thì quả thực vui vẻ, mọi người ăn thì ăn cơm chung, chơi thì chơi chung, làm thì làm chung. Các sếp Trung Quốc đều có thể giao tiếp tốt với nhân viên Việt Nam trong trại. Nhân viên Việt Nam thì đang trong quá trình học tập tiếng Trung để giao tiếp với các sếp.”

“Chế độ ngày làm của nhân viên là như vầy: Thứ Bảy, Chủ Nhật cũng phải làm, vì tính chất công việc, heo thì thứ Bảy Chủ Nhật cũng phải ăn mà. Nhưng mà tuy nhiên mỗi 2 tháng công ty cũng cho nhân viên về phép một lần,” Đa nói. Là một lao động đi làm xa nhà, anh rất vui vì mỗi lần về quê có tới 8-10 ngày phép.

Với năng lực thị trường mạnh mẽ và khả năng tác động đến các tiêu chuẩn của ngành về phát triển xanh và bền vững, New Hope đã được Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) chọn làm đối tác trong nhiều dự án tại Trung Quốc và khu vực. Trước những thách thức mà các công ty nông nghiệp phải đối mặt trong việc đảm bảo vốn dài hạn do những rủi ro vốn có của ngành, ADB đã cung cấp cho New Hope các khoản vay tổng cộng 95 triệu đô la Mỹ kể từ năm 2019, một số trong số đó đã được phân bổ cho các dự án tại Việt Nam.

Bà Vương Vi (Wang Wei), cán bộ ADB phụ trách dự án hợp tác giữa ngân hàng và New Hope, cho biết thông qua các dự án này, ADB đặt mục tiêu thúc đẩy mô hình kinh doanh nông nghiệp tích hợp và toàn diện, bảo tồn tài nguyên và giảm tác động đến môi trường, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp và các bên liên quan khác trong chuỗi giá trị chăn nuôi trong thời kỳ khó khăn, chẳng hạn như đại dịch COVID-19 vừa qua.

“Quan hệ đối tác với New Hope nhấn mạnh vào nông nghiệp tuần hoàn, tập trung vào tính bền vững của môi trường trong khi thúc đẩy phát triển khu vực thông qua các hoạt động canh tác có trách nhiệm và sáng tạo. Chúng tôi rất vui khi thấy tiềm năng đáng kể của New Hope trong việc nhân rộng mô hình kinh doanh tích hợp của mình tại các thị trường mới nổi như Việt Nam, cuối cùng là tăng cường tiếp cận với những người nông dân sản xuất nhỏ và cải thiện sinh kế của họ", đại diện ADB cho biết.

Phóng viên: Thanh Xuân

Biên tập viên:Thanh Đóa

Close
Messenger Pinterest LinkedIn