Tiếng Việt Nam

Con đường đô thị hoá kiểu mới đặc sắc Trung Quốc

CMG2024-11-20 10:37:50

Đô thị hóa là quá trình tất yếu mà bất kỳ quốc gia nào cũng phải trải qua trên con đường phát triển. Quá trình đô thị hoá thúc đẩy phát triển kinh tế quốc dân, tạo ra nhiều cơ hội việc làm, nâng cao mức sống của cư dân đô thị và nông thôn. Đồng thời, đô thị hóa cũng để lại nhiều vấn đề như ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông, nhà ở, an sinh xã hội… Đối mặt với những nhu cầu của thực tiễn, Trung Quốc đã tự tìm ra con đường đô thị hoá kiểu mới đặc sắc như thế nào mà khiến nhiều quốc gia coi đó là bài học tham khảo quý giá?

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, thạc sĩ Nguyễn Thanh Giang - công tác tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) - cho rằng, con đường đô thị hoá của Trung Quốc gồm 2 giai đoạn cơ bản. Trong giai đoạn đầu, Trung Quốc đã theo đuổi con đường đô thị hóa truyền thống của các quốc gia phát triển phương Tây cả về lý thuyết lẫn thực tiễn tức là đô thị hóa lấy “vật chất” làm trung tâm (hay chỉ đơn thuần là quá trình di chuyển dân từ nông thôn ra thành phố) và chấp nhận đánh đổi lợi ích, do đó đã để lại nhiều vấn đề về xã hội và môi trường sinh thái cùng các “căn bệnh đô thị” khác. Giai đoạn thứ hai bắt đầu khi “con đường đô thị hóa mang đặc sắc Trung Quốc” được đề xuất tại Đại hội XVI Đảng Cộng sản Trung Quốc (năm 2002), với các nguyên tắc được tiếp tục khẳng định và mở rộng tại 2 kỳ Đại hội tiếp theo. Đến Hội nghị Trung ương 3 khóa XVIII (tháng 11-2013), lãnh đạo Trung Quốc đã đưa ra quan điểm “kiên trì con đường đô thị hóa kiểu mới mang đặc sắc Trung Quốc, thúc đẩy đô thị hóa lấy con người làm trung tâm”, như vậy đô thị hóa đặc sắc Trung Quốc và đô thị hóa kiểu mới đã được kết hợp một cách hài hòa. Năm 2014, Trung Quốc đã ban hành Quy hoạch quốc gia về đô thị hóa kiểu mới, xác định con đường đô thị hóa mới phù hợp với thực tế Trung Quốc, phục vụ cho việc xây dựng hiện đại hóa kiểu Trung Quốc.

Thạc sĩ Nguyễn Thanh Giang, Viện Nghiên cứu Trung Quốc, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Mục tiêu cuối cùng của đô thị hóa mới là thúc đẩy tiến bộ toàn diện về kinh tế và xã hội trong đô thị để mang đến cơ hội và môi trường phát triển tốt hơn cho tất cả mọi người, qua đó đạt được sự thịnh vượng chung và thúc đẩy phát triển toàn diện con người. Mô hình đô thị hoá mới có các đặc điểm như tính công bằng, tính cân bằng, tính bao dung và tính bền vững. Tính công bằng nhấn mạnh sự bình đẳng về thân phận giữa các nhóm khác nhau, cơ hội bình đẳng, dịch vụ đồng đều, quyền lợi tương đương. Tính cân bằng nhấn mạnh sự cân bằng trong mối quan hệ giữa đô thị và nông thôn trong quá trình đô thị hóa mới, chuyển từ đô thị hóa ưu tiên phát triển thành thị sang đô thị hóa phát triển hài hòa, kết hợp giữa thành thị và nông thôn. Tính bao dung nhấn mạnh chiến lược phát triển đô thị hóa cho phép và khuyến khích sự đa dạng, chủ động thúc đẩy sự chung sống và phát triển hài hòa của các nguồn văn hóa khác nhau. Trong quá trình đô thị hóa, cần thúc đẩy sự kết hợp giữa nguồn tài nguyên văn hóa truyền thống và hiện đại, cũng như sự hòa quyện giữa văn hóa nông thôn và văn hóa thành thị. Tính bền vững nhấn mạnh phương thức phát triển tiết kiệm, chuyển từ đô thị hóa với mức tiêu thụ năng lượng cao và tác động lớn đến môi trường sang đô thị hóa với mức tiêu thụ năng lượng thấp và tác động môi trường nhỏ.Trong giai đoạn “Quy hoạch 5 năm lần thứ 13 (2016-2021), đô thị hóa kiểu mới ở Trung Quốc đã đạt được một số thành tựu to lớn, tỷ lệ và chất lượng đô thị hóa được nâng cao rõ rệt, đến cuối năm 2020, tỷ lệ đô thị hóa của dân số thường trú đạt 63,89%, tỷ lệ đô thị hóa của dân số đăng ký hộ khẩu tăng lên 45,4%. Thị dân hóa nông dân thành cư dân thành thị đạt được thành tựu nổi bật, cải cách chế độ hộ khẩu đã đạt được bước đột phá, hoàn thành thuận lợi mục tiêu chuyển dịch 100 triệu nông dân và cư dân thường trú khác được đăng ký hộ khẩu ở thành phố, phạm vi và mức độ bình đẳng của các dịch vụ công cơ bản được nâng cao đáng kể. Cấu trúc không gian đô thị hóa tiếp tục được tối ưu hóa, các thành phố trung tâm và cụm thành phố trở thành động lực phát triển chất lượng cao của cả nước, năng lực cạnh tranh quốc tế của các cụm thành phố như Bắc Kinh-Thiên Tân-Hà Bắc, đồng bằng sông Trường Giang, sông Chu Giang được nâng cao rõ rệt. Cấu trúc quy mô thành phố tiếp tục được tối ưu hóa, đến cuối năm 2020, số lượng thành phố tăng lên 685, trong đó có 21 siêu thành phố và thành phố cực lớn.

Xác định mục đích phát triển đô thị không phải để mở rộng thành phố mà là vì lợi ích của người dân, chiến lược đô thị hóa kiểu mới lấy con người làm trung tâm đã trở thành biện pháp cốt lõi trong phát triển kinh tế xã hội của Trung Quốc hiện tại và trong thời gian tới. Tổng Bí thư Tập Cận Bình trong báo cáo chính trị Đại hội XX một lần nữa nhấn mạnh cần “thúc đẩy đô thị hóa kiểu mới lấy con người làm trung tâm”. Nội dung này cũng đã được khẳng định trong hàng loạt quy hoạch quốc gia về đô thị hoá kiểu mới, tầm nhìn đến 2035. Lấy con người làm trung tâm và phát triển đô thị vì lợi ích của người dân vừa là giải pháp đột phá để giải quyết các vấn đề “bệnh đô thị”, vừa là hướng đi căn bản mà quá trình phát triển đô thị phải luôn tuân theo.

Theo nữ học giả Việt Nam, sự chuyển đổi của Trung Quốc từ đô thị hóa truyền thống sang đô thị hóa kiểu mới là kết quả tất yếu của quá trình phát triển lịch sử kể từ sau cải cách và mở cửa, đồng thời cũng là sự thống nhất logic giữa lý thuyết và thực tiễn đổi mới.

“Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nắm bắt quy luật phát triển đô thị của thế giới và Trung Quốc, kiên trì kết hợp các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác với thực tiễn cụ thể của Trung Quốc và với tinh hoa văn hóa truyền thống lâu đời của Trung Hoa, từ đó tiến hành đổi mới lý thuyết và chiến lược đô thị hóa kiểu mới,” Thạc sĩ Nguyễn Thanh Giang đánh giá.

Phương án mới này không chỉ phù hợp với quy luật phát triển đô thị toàn cầu mà còn phù hợp với quy luật phát triển đô thị của Trung Quốc, đáp ứng đúng tình hình và thực tiễn phát triển của Trung Quốc. Do đó, nó đã thay đổi hướng phát triển của đô thị hóa Trung Quốc, mở ra một giai đoạn chuyển đổi từ phát triển truyền thống sang phát triển chất lượng cao. Điều này không chỉ mở ra con đường đúng đắn cho việc xây dựng một quốc gia hiện đại hóa XHCN toàn diện tại Trung Quốc, mà còn cung cấp một phương án phát triển mới và trí tuệ Trung Quốc cho các quốc gia khác trên thế giới chưa hoàn thành quá trình đô thị hóa và hiện đại hóa.

Nhà nghiên cứu chỉ ra, Trung Quốc và Việt Nam là hai nước láng giềng có nhiều điểm tương đồng về thể chế chính trị và phát triển kinh tế xã hội. Trung Quốc quá độ sang kinh tế thị trường cũng chỉ trước Việt Nam không lâu, vì vậy thực tiễn đô thị hóa Trung Quốc để lại cho Việt Nam rất nhiều bài học quý giá, có thể giúp Việt Nam tránh được những khúc đường quanh co, những “vết xe đổ” trong quá trình đô thị hóa.

“Kinh nghiệm Trung Quốc cho thấy thể chế và năng lực quản lý của chính quyền đô thị chính là nhân tố quyết định sự thành bại của chính sách phát triển đô thị bền vững. Việt Nam cần đặc biệt quan tâm đến kinh nghiệm này. Mặt khác, nước ta cũng nên tham khảo thể chế thành phố cấp phó tỉnh, thị xã cấp phó huyện để xử lý trường hợp khi đô thị lớn mạnh lên và chuyển sang cấp bậc cao hơn thì cũng không cần phải di chuyển tỉnh lỵ, huyện lỵ đi nơi khác rất phiền phức, tốn kém,” Thạc sĩ Nguyễn Thanh Giang kiến nghị./.

Phóng viên: Thanh Xuân

Biên tập viên:Mẫn Linh

Close
Messenger Pinterest LinkedIn