Tiếng Việt Nam

Học giả Việt Nam: Hàng không vũ trụ Trung Quốc đã tự đạt những thành tựu lớn mà nhiều quốc gia phương Tây chưa làm được

CRIPublished: 2022-06-09 10:13:08
Share
Share this with Close
Messenger Pinterest LinkedIn

Sáng 5/6 vừa qua, từ Trung tâm Phóng vệ tinh Tửu Tuyền, Trung Quốc đã phóng thành công tên lửa đẩy Trường Chinh gắn tàu vũ trụ có người lái Thần Châu 14, đưa 3 phi hành gia lên trạm vũ trụ Thiên Cung.

Là một trong những “sự kiện lớn” của ngành hàng không vũ trụ Trung Quốc cũng như thế giới, vụ phóng thành công ngày 5/6 đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của dư luận quốc tế trong đó có tại Việt Nam. Trên các diễn đàn và mạng xã hội, vô số người dân Việt Nam bày tỏ sự ngưỡng mộ trước sự phát triển của công nghệ hàng không vũ trụ Trung Quốc.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Vũ Lộc – nhà nghiên cứu tại Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cho rằng ngành hàng không vũ trụ của Trung Quốc đã và đang phát triển rất nhanh trong thế kỷ 21 này. Quá trình này đi kèm với sự trỗi dậy như vũ bão của nền kinh tế hiện đang đứng thứ hai thế giới.

“Chỉ trong vòng hơn hai thập kỷ vừa qua, Trung Quốc đã tự đạt được nhiều thành tựu mà nhiều quốc gia phương Tây đến nay vẫn chưa thể tự mình làm được,” ông Lộc đánh giá.

Theo nhà nghiên cứu, Trung Quốc trong thời gian qua là một ví dụ rõ nét về khả năng tự chủ công nghệ cao đi kèm với nâng cao vị thế quốc gia. Không chỉ xây dựng một trạm vũ trụ, Trung Quốc đang xây dựng cả một “hệ sinh thái” của công nghệ vũ trụ, bao gồm hệ thống vệ tinh định vị Bắc Đẩu, vệ tinh viễn thám, kính thiên văn vũ trụ, tàu thám hiểm Mặt Trăng, Sao Hỏa...

Ông Phạm Vũ Lộc hiện đang giảng dạy về Thiên văn học tại Trung tâm Vũ trụ Việt Nam. Đây là cơ quan thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, có trách nhiệm nghiên cứu – triển khai, đào tạo, ứng dụng công nghệ vũ trụ và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này, nhằm thực hiện chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ của đất nước.

Với niềm say mê khám phá bầu trời của mình, ông Phạm Vũ Lộc còn là người đồng sáng lập Hội Thiên văn Hà Nội - một trong những Hội nhóm thiên văn hàng đầu tại Việt Nam hiện nay và là nơi cho các bạn trẻ đam mê thiên văn có thể tham gia giao lưu, học hỏi và tiến xa hơn trên con đường nghiên cứu chuyên nghiệp.

“Khi tôi còn nhỏ và mới làm quen với bầu trời, tôi đã rất bất ngờ trước tin tức vào năm 2003, người Trung Quốc đầu tiên là Dương Lợi Vĩ bay vào vũ trụ bằng tàu Thần Châu 5 đặt trên tên lửa Trường Chinh. Từ đó đến nay đã gần 20 năm, công nghệ vũ trụ Trung Quốc đã tiến được những bước rất lớn. Họ đã xây dựng được bốn sân bay vũ trụ, hàng chục thế hệ tên lửa đẩy, các chương trình thám hiểm Trái Đất, Mặt Trăng, Sao Hỏa và các mục tiêu khác, nhiều hệ thống vệ tinh viễn thông, định vị hay viễn thám, v.v... mà trong số đó là trạm vũ trụ Thiên Cung đang được từng bước thành hình và chuyến bay Thần Châu-14 vừa qua là một dấu mốc quan trọng,” ông Lộc nói.

Nhiệm vụ Thần Châu 14 này đưa 3 phi hành gia lên mô-đun chính mang tên Thiên Hòa của trạm vũ trụ Thiên Cung. Kể từ chuyến bay này, sẽ luôn luôn có các phi hành gia thường trực trên trạm. Nhiệm vụ của 3 phi hành gia lần này rất quan trọng, họ sẽ có mặt trên mô-đun chính để đón hai mô-đun nghiên cứu là Vấn Thiên và Mộng Thiên sẽ lần lượt được phóng lên vào tháng 7 và tháng 10 trong năm nay, trước khi được đội phi hành gia trên tàu Thần Châu 15 thay thế. Như vậy theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm, Trung Quốc cơ bản sẽ lắp ráp xong trạm vũ trụ Thiên Cung của mình trên cơ sở ba mô-đun.

Bên cạnh đó, là một người có sở thích học tiếng Trung và nghiên cứu văn hoá Trung Quốc, ông Phạm Vũ Lộc cảm thấy rất ấn tượng với cách Trung Quốc đặt tên riêng cho các phi vụ, thiết bị, chương trình vũ trụ của mình.

“Đó đều là những cái tên có đầy chất thơ, rất thú vị. Những công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất lại được đứng đằng sau bởi những cái tên mang bề dày truyền thống văn hóa nghìn năm, ví dụ như trạm vũ trụ mang tên Thiên Cung (cung điện trên trời), tàu thăm dò Mặt Trăng mang tên nàng Thường Nga (Hằng Nga), chở theo rô-bốt tự hành Ngọc Thố (thỏ ngọc), hay xe tự hành trên Sao Hỏa mang tên vị thần lửa Chúc Dung, chuyến bay thám hiểm sao chổi mang tên nhà thám hiểm Trịnh Hòa…”

Đánh giá về cơ hội hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này, ông Lộc nhìn nhận: Ngoài vũ trụ vốn không có biên giới nên các nỗ lực hợp tác trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ luôn là hợp tác vì hòa bình và thịnh vượng chung của nhân loại.

“Nhìn lại kể từ khi tàu vũ trụ đầu tiên Sputnik-1 được phóng lên đến nay mới 65 năm, khoa học đã khiến nhân loại được chứng kiến bao nhiêu bước nhảy vọt về công nghệ, tri thức và cả đời sống. Dù là một loại công nghệ cao, khó nắm bắt, nhưng công nghệ vũ trụ không phải là độc quyền của bất kỳ quốc gia nào. Trái lại, nếu không kịp thời nắm bắt công nghệ này, các quốc gia đang phát triển có thể bị rơi vào thế tụt hậu,” nhà nghiên cứu nói.

Biên tập viên:Mẫn Linh

Share this story on

Messenger Pinterest LinkedIn