Học giả Việt Nam: Hiện đại hoá của Trung Quốc tác động mạnh mẽ tới thế giới
Là nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu với dân số khổng lồ và thị trường rộng lớn, con đường phát triển của Trung Quốc sẽ có tác động mạnh mẽ đến cục diện và tương lai của thế giới. Những năm qua, Trung Quốc liên tục tiến hành hiện đại hoá và đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Tiến sĩ Nguyễn Thị Hạ, công tác tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam cho rằng, quá trình hiện đại hoá của Trung Quốc không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với nhân dân Trung Quốc mà còn có tác động mạnh mẽ đến thế giới.
Tại Đại hội lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc (Đại hội XX) vào tháng 10 năm 2022, lần đầu tiên Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình đã nêu ra lý luận “Hiện đại hoá kiểu Trung Quốc”, đưa ra một cách tiếp cận hoàn toàn mới để đạt được hiện đại hoá theo cách riêng của Trung Quốc.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Hạ, báo cáo của Đại hội XX đã nêu rõ khái niệm “Hiện đại hóa kiểu Trung Quốc” với 5 đặc trưng cụ thể: (i) Là hiện đại hóa với dân số khổng lồ; (ii) Là hiện đại hóa vì sự thịnh vượng chung cho tất cả mọi người; (iii) Là hiện đại hóa kết hợp hài hòa giữa văn minh vật chất và văn minh tinh thần; (iv) Là hiện đại hóa trong đó con người và thiên nhiên cùng tồn tại hài hòa; (v) Là hiện đại hóa theo con đường phát triển hòa bình.
Nữ học giả phân tích, về bản chất, mô hình “Hiện đại hóa kiểu Trung Quốc” chính là hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo, mô hình mà Trung Quốc tiến lên hiện đại hóa vừa tuân theo quy luật chung của hiện đại hóa, vừa phù hợp với bối cảnh, nguyện vọng và điều kiện quốc gia của nước này và có những đặc điểm riêng. Ở đây, Trung Quốc đã đưa ra một cách tiếp cận mới để đạt được hiện đại hóa khác với các nước phương Tây. Theo lý giải của các học giả Trung Quốc, đây là con đường hiện đại hóa dựa trên sở hữu công cộng đối với tư liệu sản xuất, lấy con người làm trung tâm và một nền hiện đại hóa trong đó tất cả người dân đều thịnh vượng, khác với kiểu hiện đại hóa lấy tư bản làm trung tâm, hiện đại hóa phân cực, hiện đại hóa vật chất như phương Tây, với cái giá phải trả là tự nhiên, sự chênh lệch giàu nghèo lớn…
“Cá nhân tôi cho rằng, điểm nổi bật của khái niệm này là việc hiện đại hoá lấy con người làm trung tâm, vì sự thịnh vượng chung cho tất cả mọi người. Điều này được cụ thể hóa bằng việc: Thứ nhất, Trung Quốc hướng tới con đường phát triển chất lượng cao hơn, hiệu quả hơn, công bằng hơn, bền vững hơn và an toàn hơn; Thứ hai, Trung Quốc hướng tới một xã hội hiện đại, dân chủ, văn minh, hài hòa, tươi đẹp và đời sống nhân dân được cải thiện về mọi mặt,” Tiến sĩ Nguyễn Thị Hạ nói.
Kể từ khi cải cách và mở cửa năm 1978, Trung Quốc đã công bố tầm nhìn chiến lược ba bước về hiện đại hóa như một phần của chính sách này. Trong quá trình đó, Trung Quốc đã cải cách các thể chế cũ, xây dựng các thể chế mới, hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu và đạt được những thành tựu đáng kể trong quá trình hiện đại hóa. Trung Quốc đã vượt ngưỡng trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2010 và người dân của nước này đã bắt đầu được tận hưởng cuộc sống sung túc vừa phải.