Tiếng Việt Nam

Kinh tế Trung Quốc: Còn nhiều lợi thế thúc đẩy tăng trưởng

CMGPublished: 2024-10-08 09:22:22
Share
Share this with Close
Messenger Pinterest LinkedIn

Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, có đóng góp trung bình 30% vào tăng trường kinh tế toàn cầu. Trung Quốc cũng đồng thời là thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới, có mối liên hệ lớn về thương mại, đầu tư và tài chính với nhiều nền kinh tế. Vì lẽ đó, sự phục hồi hay tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc luôn là chủ đề thu hút nhiều sự quan tâm của nhân sĩ các giới.

Trao đổi với Đài chúng tôi, chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam) - cho rằng, tình hình kinh tế Trung Quốc rất quan trọng với Việt Nam vì Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất và đối tác đầu tư lớn thứ năm của Việt Nam, chưa kể mối quan hệ hợp tác về du lịch, giao lưu nhân văn mật thiết giữa hai nước.

TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

“Thời gian gần đây, kinh tế Trung Quốc phải đối mặt với với nhiều thách thức. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan thì trong bối cảnh điều kiện bên ngoài nhiều trắc trở, rủi ro khó đoán định như hiện nay, đây là vấn đề các nền kinh tế “mở” nói chung đều gặp phải chứ không riêng gì Trung Quốc,” TS. Võ Trí Thành nói.

Chuyên gia Việt Nam cho rằng, ngoài các vấn đề dài hạn như dân số, chu kỳ tăng trưởng…, nền kinh tế Trung Quốc hiện nay đang có hai vấn đề lớn nhất: những điều chỉnh của thị trường bất động sản và nhu cầu nội địa chưa đủ lớn. Theo TS. Võ Trí Thành, không ngạc nhiên khi Trung Quốc duy trì chính sách tiền tệ khá “lỏng” để hỗ trợ cho nền kinh tế ở giai đoạn này, vừa là để xử lý các vấn đề tài chính - bất động sản, vừa để tạo thêm sức mua trong nước. Theo ông, chính phủ Trung Quốc đã đưa ra hàng loạt giải pháp trong các lĩnh vực để giải quyết khó khăn trước mắt và lành mạnh hoá cơ cấu kinh tế trong dài hạn.

TS. Võ Trí Thành đánh giá, trong những tháng cuối năm, vẫn còn nhiều lợi thế thúc đẩy kinh tế Trung Quốc tăng trưởng. Nổi bật nhất, thương mại hàng hoá Trung Quốc vẫn tiếp tục khẳng định khả năng phục hồi mạnh mẽ. Số liệu do Tổng cục Hải quan công bố vào ngày 10/9 cho thấy, tính theo Nhân dân tệ, tổng giá trị xuất nhập khẩu thương mại hàng hóa của Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm nay là 28,58 nghìn tỷ Nhân dân tệ, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thống kê những năm gần đây cho thấy, về thị trường xuất khẩu của Trung Quốc, tỷ trọng các nước phát triển và đang phát triển đã trở nên cân bằng hơn. Cụ thể, tỷ trọng của các nước phát triển trong ngoại thương của Trung Quốc đang giảm dần, trong khi tỷ trọng của các nước đang phát triển đang tăng lên. Từ năm 2020, ASEAN đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Nhiều doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc đã đến các nước ASEAN để phát triển thị trường, đầu tư và đưa các công ty vươn ra toàn cầu. Việc khai thác các thị trường đang phát triển với sức mua vẫn đang tăng nhanh như ASEAN phần nào giúp đảm bảo động lực cho ngoại thương Trung Quốc.

12全文 2 下一页

Share this story on

Messenger Pinterest LinkedIn