Tháng 9 “tất bật” của trái dừa Việt Nam tại Trung Quốc
Ông Cao Bá Đăng Khoa thông tin thêm: Từ ngày 24/9 - 1/10, Hiệp hội Dừa Việt Nam và các doanh nghiệp hội viên đã tham gia đoàn xúc tiến, kết nối giao thương sản phẩm trái cây, nông sản tại Nam Ninh (Quảng Tây) và Bắc Kinh theo chương trình do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam tổ chức với các hoạt động như: Ngày 27/9, làm việc với Cục hải Quan Nam Ninh, Quảng Tây và Trung tâm kinh tế thương mại Trung Quốc ASEAN; Ngày 29/9, tham dự, trưng bày giới thiệu sản phẩm, quảng báo thương hiệu ngành dừa Việt Nam tại Lễ hội trái cây tại Bắc Kinh.
Doanh nghiệp Việt Nam quảng bá sản phẩm dừa tươi tại Hội chợ Thương mại ASEAN - Trung Quốc lần thứ 21 (CAEXPO 2024) tại Nam Ninh, Quảng Tây. Ảnh chụp ngày 24/9
“Chúng tôi mong hình ảnh của trái dừa tươi Việt Nam được đón nhận ở cả các thị trường phía Bắc Trung Quốc. Đây là những thị trường có giá trị cao, nhu cầu tiêu dùng lớn nhưng lại chưa quen thuộc với các sản phẩm của Việt Nam,” đại diện Hiệp hội Dừa Việt Nam bày tỏ.
Khu trưng bày, quảng bá sản phẩm dừa tươi tại Lễ hội trái cây Việt Nam (Bắc Kinh), ngày 29/9
Không dừng lại ở các kênh thương mại truyền thống, các doanh nghiệp dừa Việt Nam còn chủ động tìm hiểu nhằm tiếp cận thị trường thông qua các kênh thương mại hiện đại. Đó là lý do Hiệp hội giới thiệu doanh nghiệp hội viên tham gia đoàn giao thương xúc tiến thương mại trong lĩnh vực Thương mại điện tử và thương mại số tại Chiết Giang và Giang Tô từ ngày 24-29/9.
“Xuất phát từ đánh giá rằng thị trường thương mại điện tử ở Trung Quốc đã rất phát triển, yêu cầu công bố thông tin và hình ảnh rất chuyên nghiệp, chúng tôi đã định hướng nhóm doanh nghiệp có sản phẩm chế biến sâu, có vùng trồng ổn định hướng đến mở rộng thị trường tại Trung Quốc thông qua môi trường số, đẩy mạnh tối ưu hóa các chuỗi liên kết và chuỗi giá trị cung ứng hàng hóa vào thị trường tỷ dân,” ông Cao Bá Đăng Khoa giải thích.
Việt Nam có khoảng 200.000 hecta trồng dừa với 2 loại chính: dừa công nghiệp và dừa tươi uống nước. Dừa công nghiệp được dùng cho công nghiệp chế biến với hàng trăm loại sản phẩm như dầu dừa, sữa dừa, các loại bánh kẹo, thức uống đóng chai, thạch dừa, mỹ phẩm, thủ công mỹ nghệ, than hoạt tính, thảm xơ dừa, giá thể, phân bón hữu cơ… Dừa tươi uống nước là loại dừa được trồng để sử dụng chuyên cho uống tươi trực tiếp từ trái dừa mà tháng 8 vừa qua, trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm, hai nước đã ký Nghị định thư cho phép xuất khẩu chính ngạch.
Theo Hiệp hội Dừa Hải Nam, Trung Quốc hiện là nước tiêu thụ và nhập khẩu sản phẩm dừa lớn nhất thế giới. Số liệu cho thấy, từ năm 2018 đến 2023, lượng nhập khẩu các sản phẩm dừa vào Trung Quốc đã tăng đáng kể, dừa khô tăng 106%, nước cốt dừa đông lạnh tăng 378%, và dừa tươi tăng 120%.
Hiệp hội Dừa Việt Nam dự báo, với việc ký kết Nghị định thư nói trên, kim ngạch xuất khẩu dừa tươi năm nay có thể đạt 250 triệu USD, chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành dừa Việt Nam.
Phóng viên: Thanh Xuân
Biên tập viên:Mẫn Linh