Tiếng Việt Nam

Trung Quốc làm thế nào nuôi được hải sản trên vùng đất phèn

CMGPublished: 2024-09-24 10:37:57
Share
Share this with Close
Messenger Pinterest LinkedIn

Đất phèn và hải sản, thật khó để liên kết hai từ này với nhau. Một bên là vùng đất cằn cỗi, một ngọn cỏ cũng không mọc được, cách biển rất xa, một bên là vùng nước mênh mông, sóng xanh dập dờn, tràn đầy cá tôm. Nếu nhất định phải tìm điểm chung của chúng, đó chính là cả hai đều có hàm lượng muối cao. Các nhà sản xuất và nhà khoa học đã nhạy bén nhận ra điểm chung này và thực sự đã nuôi được hải sản trên đất phèn!

Trung Quốc có khoảng 607 triệu hecta đất phèn, trong đó Tân Cương chiếm khoảng 1/3. Các nhà khoa học đã điều chỉnh nước nhiễm phèn thành “nước biển nhân tạo” và chọn lọc các giống cá, tôm chịu mặn, từ đó nuôi được gần mười loài hải sản như cua xanh, tôm chân trắng Nam Mỹ, cá hồng Mỹ, cá mú vàng ....

Tại thành phố Aral, nằm ở rìa Tây Bắc sa mạc Taklamakan của Tân Cương, có một vùng nước nhiễm phèn rộng hơn 1.700 hecta. Năm 2023, thành phố này đã thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp thủy sản để phát triển nuôi thủy sản tại vùng đất phèn, thử nghiệm nuôi cá vược và tôm chân trắng Nam Mỹ, đánh dấu bước chuyển từ không có đến có trong ngành nuôi trồng thủy sản.

Bành Nhân Khải, người đứng đầu hợp tác xã nuôi thủy sản ở Aral, đã tìm ra mô hình “nuôi hải sản trên cạn” trong nhà kính, với sản lượng tôm chân trắng lên đến hơn 30 tấn mỗi năm trong hai năm qua, luôn cung không đủ cầu.

Được biết, từ tháng 9/2023, Chiết Giang đã tổ chức hai đoàn các nhà khoa học đến Tân Cương để hỗ trợ kỹ thuật. Giáo sư Thư Diệu An từ Đại học Chiết Giang, người chuyên nghiên cứu ngành nuôi trồng thủy sản, đã phát triển công nghệ điều chỉnh nước nhiễm phèn thành “nước giống như nước biển”, mở ra hướng đi cho nông dân của hợp tác xã nuôi cá mú thành công.

Thành công trong việc nuôi thử cá mú đã truyền cảm hứng cho Bành Nhân Khải. Anh dự định trong năm tới sẽ thử nuôi các loài cá biển khác như cá chim vàng và cá mú sao, dự định sẽ “lấp đầy” hải sản tại 15 nhà kính của hợp tác xã.

Giáo sư Thư Diệu An chia sẻ: “Việc nuôi trồng thành công chỉ là bước đầu, con đường phía trước còn dài. Chúng tôi hy vọng có thể biến Tân Cương trở thành một trong những trung tâm nuôi hải sản quan trọng của Trung Quốc.”

Thị trấn Duguitala thuộc thành phố Ordos của Nội Mông Cổ, nằm ở bờ Nam sông Hoàng Hà. Do lượng phù sa tích tụ lớn và khí hậu khô hạn kéo dài, đất đai ở thị trấn bị nhiễm phèn nghiêm trọng. Các doanh nghiệp địa phương đã bơm nước vào đất phèn, cải tạo thành ao tôm và nuôi tôm chân trắng Nam Mỹ. Năm 2023, cơ sở nuôi tôm ở Duguitala đã sản xuất hơn 200.000 kg tôm chân trắng, với giá trị sản lượng hàng năm vượt 6 triệu nhân dân tệ.

Việc nuôi trồng trên đất phèn, dù là giống cá nước lợ hay nước ngọt, đều phải qua nhiều lần thuần hóa để thích nghi với môi trường nước nhiễm phèn địa phương. Tại khu tự trị Ninh Hạ, Dương Tân Lập sở hữu hơn 32 hecta tôm chân trắng. Trong ba năm đầu, việc thuần hóa tôm giống nước mặn không thành công, khiến anh thua lỗ nặng. Đến năm thứ tư, dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia thủy sản, cuối cùng anh cũng có lãi.

Tại huyện Lan Khảo, thành phố Khai Phong, tỉnh Hà Nam, có một khu đất phèn, nơi mà gần đây đã thu hoạch tôm chân trắng. Việc nuôi trồng hải sản ở khu vực nội địa đòi hỏi kỹ thuật kiểm soát chất lượng nước. Bí quyết nằm ở chính các ao nuôi. Quan sát kỹ sẽ thấy nước trong ao có màu xanh lục, chứa đầy một loại tảo đặc biệt – tảo tiểu cầu. Loại tảo này không chỉ giúp tạo ra oxy mà còn giúp làm sạch nước. Đội ngũ nghiên cứu tại huyện Lan Khảo đã mất hai năm để tìm ra loại tảo này.

Được biết, trong quá trình cải tạo đất phèn tại Trung Quốc, 1/3 diện tích đã được sử dụng để trồng ngũ cốc, còn lại các nhà khoa học đã tùy theo điều kiện cụ thể của từng nơi mà phát triển nhiều phương pháp cải tạo sáng tạo. Từ nuôi bò, nuôi cừu đến nuôi cá, nuôi tôm, từ trồng hoa, trồng thuốc đến du lịch sinh thái… Nhờ vào sự hỗ trợ của công nghệ mới, đất phèn “từ phế thải đã biến thành kho báu”!

Biên tập viên:Thiên Thư

Share this story on

Messenger Pinterest LinkedIn