Tiếng Việt Nam

Đến thăm ngôi làng tại Trung Quốc xuất khẩu nhiều nhạc cụ nhất sang phương Tây

CMGPublished: 2024-10-10 09:33:27
Share
Share this with Close
Messenger Pinterest LinkedIn

Đàn violin, saxophone, sáo, guitar, kèn clarinet... những nhạc cụ Phương Tây mà thường chỉ thấy trong các buổi hòa nhạc, lại có thể dễ dàng bắt gặp ở một vùng nông thôn phía Bắc Trung Quốc. Ngôi làng này chính là Chu Oa, huyện Vũ Cường, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, được mệnh danh là “Thị trấn âm nhạc của Trung Quốc”.

"Âm nhạc là linh hồn của làng Chu Oa và cũng là niềm vui trong cuộc sống của chúng tôi," Chu Vệ Thương, một người làm nhạc cụ nổi tiếng của làng chia sẻ. Ông sở hữu một xưởng nhỏ có tên "Tiểu Chu", chuyên sản xuất saxophone.

Cũng như Chu Vệ Thương, những xưởng làm guitar, sáo thủ công và các loại nhạc cụ khác rải rác khắp làng. Lý Thế Kỳ, một nghệ nhân trong làng, chuyên chế tác đàn violin. Để làm một cây violin, cần tới hơn 70 công đoạn và mất khoảng một tháng. Những cây violin của ông Lý có kiểu dáng mềm mại, âm thanh trong trẻo, tinh khiết, chất lượng cao, được người yêu nhạc ưa chuộng.

Ở làng Chu Oa, hầu như nhà nào cũng có người biết chơi nhạc cụ. Trên các con phố, thường nghe thấy tiếng đàn du dương, tiếng trống sôi động. Làng có rạp chiếu phim nghệ thuật, quán cà phê, phòng trải nghiệm nhạc cụ đàn dây và bảo tàng nhạc cụ thế giới trưng bày 1.500 nhạc cụ quý giá... Hơi thở âm nhạc hiện diện khắp nơi. Trên các bức tường, gạch lát đường trong làng đều có hình vẽ piano, guitar. Ngay cả thùng rác cũng được tạo hình thành chiếc trống.

Là cơ sở sản xuất nhạc cụ dàn nhạc của Trung Quốc, ngành công nghiệp nhạc cụ Phương Tây của huyện Vũ Cường bắt đầu từ cuối những năm 1980. Hiện nay, Vũ Cường có 96 doanh nghiệp sản xuất nhạc cụ Phương Tây, với hơn 400 loại nhạc cụ, được xuất khẩu đến hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong số 176.000 dân, hơn 10.000 người làm việc trong ngành nhạc cụ.

Làng Chu Oa, dù không lớn, nhưng làm thế nào đã xây dựng thành một thị trấn âm nhạc?

Vào những năm 1980, khi nhu cầu về nhạc cụ phương Tây tăng đột biến, Trần Học Khổng, một người dân làng nhận ra cơ hội kinh doanh. Ông mang kỹ thuật sản xuất nhạc cụ học được từ nơi khác về Vũ Cường và hợp tác với Chu Quốc Phương, thành lập nhà máy nhạc cụ đầu tiên trong huyện.

Các nhạc cụ như saxophone, kèn clarinet đều có hàng chục đến hàng trăm bộ phận. "Việc chế tạo các nhạc cụ tinh xảo như vậy lúc đầu gặp rất nhiều khó khăn," Trần Học Khổng chia sẻ. Ông cùng kỹ sư đến các nhà máy nhạc cụ lớn ở thành phố nghiêm túc học hỏi, thậm chí luyện tập bằng cách cắt gọt mẫu bằng bắp cải và cà rốt. Chỉ sau vài tháng, từ những nông dân bình thường, họ đã trở thành những thợ thủ công chuyên nghiệp, sản phẩm làm ra bán tới các thành phố lớn và được công nhận.

Cùng với việc tiếp thu công nghệ tiên tiến và nâng cao chất lượng sản phẩm, nhà máy nhạc cụ phát triển thành Tập đoàn Nhạc cụ Kim Âm, chuyên sản xuất các sản phẩm trung và cao cấp, dần dần mở rộng thị trường quốc tế. Hiện nay, sản phẩm của tập đoàn bao gồm hơn 100 loại nhạc cụ đàn dây, nhạc cụ hơi bằng gỗ và đồng, với sản lượng 1 triệu chiếc mỗi năm, đạt giá trị 426 triệu Nhân dân tệ.

Trước tuổi 40, Hàn Cường là một nông dân trong làng Chu Oa, suốt ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời và thỉnh thoảng làm công việc vặt như bê gạch. Khi thị trấn âm nhạc Chu Oa được xây dựng, anh làm việc tại công trình và bắt đầu có hứng thú với guitar. Sau tuổi 40, Hàn Cường trở thành nhân viên bán hàng kiêm nhạc công tại một cửa hàng nhạc cụ trong thị trấn. "Khi công việc tốt, một ngày có thể bán được ba đến bốn chiếc guitar, violin."

Năm 2012, thị trấn âm nhạc Chu Oa bước đầu được xây dựng. Thị trấn nhỏ này đã tạo ra hơn 80 khu nghỉ dưỡng đặc biệt, quán cà phê, phòng trải nghiệm nhạc cụ. Ngoài ra, còn xây dựng Trung tâm trải nghiệm âm nhạc Chu Oa và Bảo tàng nhạc cụ thế giới, mở cửa cho các sinh viên, nghệ sĩ âm nhạc và công ty phim trong và ngoài nước. Tháng 7 năm 2022, thị trấn âm nhạc Chu Oa được xếp hạng là Khu du lịch cấp 4A quốc gia. Làng Chu Oa đã dùng những nhạc cụ phương Tây để viết nên một chương mới trong hành trình làm giàu.

Biên tập viên:Mẫn Linh

Share this story on

Messenger Pinterest LinkedIn