"Tinh linh trái đất" canh giữ tại biên giới Trung-Việt
Trong rừng sâu thuộc huyện Nhâm Trang, thành phố Tịnh Tây, tỉnh Quảng Tây, nơi giáp ranh với biên giới Việt Nam, có một loài động vật hiếm hoi hơn cả gấu trúc sinh sống, đó chính là vượn Cao Vít hay còn có biệt danh "tinh linh trái đất".
Vượn Cao Vít nặng khoảng 7-10 kg, cao khoảng 45-64 cm, được Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế xếp vào nhóm các loài cực kỳ nguy cấp. Trên toàn cầu, loài này chỉ sinh sống trong Khu bảo tồn thiên nhiên cấp quốc gia Bang Lượng tại Tịnh Tây, Quảng Tây và Khu bảo tồn vượn tay dài tại Việt Nam liền kề.
Theo dữ liệu do Trung Quốc và Việt Nam công bố vào tháng 4 năm nay cho thấy, hiện nay trên thế giới chỉ còn 11 nhóm với 74 cá thể vượn Cao Vít, trong đó có 5 nhóm với 36 cá thể tại Trung Quốc.
Để bảo vệ loài "tinh linh trái đất" này, không chỉ các nhà khoa học định kỳ đến khu bảo tồn để quan sát và nghiên cứu, mà còn có đội tuần tra bao gồm các cảnh sát trẻ tuổi và kiểm lâm địa phương thành lập đội tuần tra, thực hiện các cuộc tuần tra chung định kỳ tại Khu bảo tồn thiên nhiên cấp quốc gia Bang Lượng. Đội tuần tra phải đối mặt với thời tiết khắc nghiệt, địa hình dốc và rừng rậm với rắn độc.
Trưởng trạm trạm quản lý Bang Lượng, ông Lương Cương cho biết: “Ngoài việc đi bộ tuần tra, chúng tôi còn sử dụng các thiết bị hiện đại như camera hồng ngoại và máy bay không người lái từ năm ngoái.”
Vượn Cao Vít sống theo từng gia đình, với cấu trúc "một chồng hai vợ". Mỗi nhóm chiếm lãnh thổ rộng 150-300 ha và rất kén ăn, đặc biệt thích quả xuyên cóc. Trước đây, con người săn bắt vượn Cao Vít với số lượng lớn để làm món ăn và làm thuốc khiến quần thể vượn Cao Vít giảm mạnh. Ngoài ra, người dân địa phương cũng chặt hạ một số lượng lớn cây xanh, điều này đã thu hẹp phạm vi sinh sống của chúng.
Do tác động từ hoạt động của con người, từ những năm 1950 đến đầu thế kỷ này, trong suốt vài thập kỷ, loài vượn Cao Vít gần như biến mất, đến mức quốc tế từng cho rằng chúng đã tuyệt chủng. Mãi đến năm 2006, Trung Quốc mới tái phát hiện hành tung của vượn Cao Vít, gây chấn động trong giới khoa học.
Năm 2009, Trung Quốc thành lập khu bảo tồn cấp khu tự trị cho vượn Cao Vít và năm 2011, hai nước Trung-Việt ký kết Ghi nhớ hợp tác để triển khai các cuộc khảo sát, hội thảo giao lưu bảo vệ và tuần tra chung, tạo môi trường sống thuận lợi cho loài vượn này. Hơn 10 năm qua, hợp tác xuyên biên giới giữa hai nước đã giúp khôi phục hiệu quả môi trường sống của loài vượn Cao Vít.
Năm 2013, Khu bảo tồn vượn Cao Vít được nâng cấp lên thành khu bảo tồn quốc gia. Các nhóm nghiên cứu từ Đại học Trung Sơn, Đại học Quảng Tây, Đại học Sư phạm Quảng Tây, Đại học Đại Lý và nhiều trường đại học khác đã đến khu vực này để tiến hành nghiên cứu về loài vượn này.
Không có nước máy, không có điện, sinh hoạt trong hang động và các lán trại tạm bợ, chăn màn ẩm mốc, các nhà nghiên cứu phải chịu đựng đủ nỗi khổ cực: phía trên là muỗi rừng vo ve, trên cây vắt rừng nhảy nhót, trong bụi cỏ thì đủ các loại rắn độc như rắn cạp nia, rắn lục xanh đang ẩn mình, trên sườn núi trải rộng là đá sắc nhọn. Mỗi ngày họ phải túc trực và theo dõi vượn Cao Vít suốt hơn 10 giờ, lặp lại trong 20 ngày mỗi tháng và kéo dài đến 18 tháng trong một chu kỳ nghiên cứu.
Các nhà nghiên cứu đã vượt qua những điều kiện khắc nghiệt để hoàn thành các nghiên cứu bước đầu về tập tính của loài vượn Cao Vít. Kết quả nghiên cứu này trở thành cơ sở lý luận để ngành lâm nghiệp và cảnh sát bảo vệ vượn tay dài.
Dưới sự hướng dẫn của các nhà nghiên cứu, khu bảo tồn đã triển khai chương trình khôi phục môi trường sống kéo dài hơn 10 năm, trồng nhiều loại cây ăn quả mà loài vượn này yêu thích và cấm người dân khai thác rừng bừa bãi, giúp phục hồi rừng, tạo nơi sinh sống và nguồn thức ăn cho vượn Cao Vít.
Theo dữ liệu cập nhật vào cuối tháng 9, số lượng vượn Cao Vít trong khu bảo tồn đã tăng từ 3 nhóm với 19 cá thể lên 5 nhóm với 39 cá thể.
Tiến sĩ Mã Trường Dũng làm việc tại Học viện Khoa học sự sống, Đại học Sư phạm Quảng Tây người đã nghiên cứu loài vượn Cao Vít trong 15 năm nói: “Ba nhóm đầu tiên chúng tôi quan sát được đều từ phía Việt Nam di chuyển sang, còn hai nhóm mới đây là sinh sôi nảy nở tại Trung Quốc. Điều này rất đáng quý, cho thấy nỗ lực phục hồi môi trường sống của chúng ta không hề uổng phí.”
Biên tập viên:Hải Vân