Chung tay thực hiện giấc mơ châu Á-Thái Bình Dương
Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tham dự Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 31 được tổ chức tại Peru. Cách đây 10 năm, tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC, Chủ tịch Tập Cận Bình lần đầu tiên đề xuất "Giấc mơ châu Á - Thái Bình Dương", gửi đi tín hiệu tích cực về sự phát triển của Trung Quốc tới thế giới. Hiện nay, đối mặt với biến đổi trăm năm chưa từng có, quan điểm này càng có ý nghĩa sâu sắc hơn. Vì lý do đó, chúng tôi đã mời ông Nguyễn Viết Thảo, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, viết bài viết có nhan đề "Chung tay thực hiện Giấc mơ châu Á - Thái Bình Dương", giới thiệu cảm nhận của ông về “Giấc mơ châu Á - Thái Bình Dương.”
Trong lịch sử trung đại, châu Á - Thái Bình Dương đã từng là trung tâm phát triển của thế giới; rồi sau đó, trung tâm ấy dịch chuyển sang châu Âu - Đại Tây Dương, đến hai bờ Đại Tây Dương và ngự trị ở đó trong nhiều thế kỷ qua. Từ cuối thế kỷ XX, châu Á - Thái Bình Dương lại trở thành một trung tâm phát triển của thế giới ngày nay, xem như sự trở về ngoạn mục của những gì tiêu biểu nhất cho sự phát triển hiện đại.
Trong bối cảnh ấy, tròn 10 năm trước đây, tại Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 22 được tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc (2014), dưới chân núi Yến Sơn nằm bên bờ hồ Nhạn Thê, Chủ tịch nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa đã đưa ra tuyên bố mang tính lịch sử về “Giấc mơ châu Á - Thái Bình Dương” trong bài phát biểu quan trọng với chủ đề “Tìm kiếm sự phát triển bền vững và cùng xây dựng giấc mơ châu Á - Thái Bình Dương”.
Trước hết có thể thấy, nội dung mà Chủ tịch Tập Cận Bình nêu ra trong “Giấc mơ châu Á - Thái Bình Dương” đã nhấn mạnh đến việc kiên trì tinh thần của đại gia đình châu Á - Thái Bình Dương với ý thức cộng đồng chia sẻ tương lai, thích ứng với trào lưu thời đại về hoà bình, phát triển, hợp tác và cùng thắng, để cùng nhau nỗ lực cho sự phồn vinh và tiến bộ của châu Á - Thái Bình Dương dựa trên hòa bình, độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia.
Đây chính là sự tiếp tục dẫn dắt theo xu thế lớn phát triển thế giới, với cống hiến to lớn hơn nữa cho hạnh phúc của nhân loại. Đó cũng chính là làm cho kinh tế có sức sống hơn nữa, thương mại được tự do hơn nữa, đầu tư được thuận lợi hơn nữa, giao thông được thông suốt hơn nữa, giao lưu giữa người và người được chặt chẽ hơn nữa. Điều này cũng chính là làm cho nhân dân có cuộc sống ổn định và sung túc hơn nữa, trẻ em được lớn lên tốt hơn nữa, công việc và cuộc sống được tốt hơn lên. Để thực hiện được mục tiêu này, đòi hỏi chúng ta cần phải nỗ lực lớn hơn nữa. Với tư cách là nước chủ nhà của Tuần lễ cấp cao APEC khi đó, thì đây chính là tuyên bố của thời đại và là lời cam kết trịnh trọng của Trung Quốc được đưa ra trước khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng như với toàn thế giới; đây cũng là tiếng nói mạnh mẽ nhất và có trách nhiệm nhất của Trung Quốc, cần phải được đẩy mạnh cho sự phồn vinh và phát triển to lớn của châu Á - Thái Bình Dương.
PGS. TS. Nguyễn Viết Thảo, Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, Nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Việt Nam
Để thực hiện được mục tiêu trên, Trung Quốc luôn xác định trách nhiệm nước lớn của mình ở phương Đông, nên dù bất cứ khi nào, đều không từ bỏ sự hợp tác và sự giúp đỡ đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương và các nước trên thế giới nói chung. Chủ tịch Tập Cận Bình lần đầu tiên đề xuất việc phải nỗ lực hơn nữa để sáng tạo và hiện thực hóa “Giấc mơ châu Á - Thái Bình Dương” vốn là sự gánh vác trách nhiệm của các nước lớn ở phương Đông. Trách nhiệm này bắt nguồn từ sự tự tin phát triển trong nước, những quyết sách sáng suốt và sự nắm vững đúng đắn của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, nền kinh tế của Trung Quốc luôn giữ vững được sự ổn định, kể cả khi trải qua đại dịch Covid-19. Với sự thể hiện ra nhiều trạng thái bình thường mới, đồng thời đứng trước những vấn đề mới, những mâu thuẫn mới, việc thông qua cải cách sâu sắc toàn diện và đẩy mạnh toàn diện quản lý đất nước theo pháp luật, đã gia tăng động lực mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế của Trung Quốc, cho cải cách mở cửa và hạnh phúc của nhân dân. Những trách nhiệm này bắt nguồn từ yêu cầu phát triển chung.
Mối quan hệ qua lại và sự nương tựa lẫn nhau giữa nền kinh tế của Trung Quốc với nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương và nền kinh tế thế giới không ngừng được làm sâu sắc. Trung Quốc không những phải tập trung tinh lực để làm tốt công việc của mình, mà còn phải nỗ lực để sự phát triển của mình mang lại lợi ích tốt hơn cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thế giới. Trung Quốc phải thực hiện giấc mơ hạnh phúc của nhân dân châu Á - Thái Bình Dương, kiên trì lấy con người làm gốc, lấy nhân dân làm trung tâm, học hỏi giữa các nền văn minh, bảo vệ môi trường sinh thái, làm cho sự tươi đẹp và sự phát triển đồng hành, để cho nhân dân khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho đến nhân dân các nước trên thế giới cùng nhau thêu dệt nên “Giấc mơ tươi đẹp” của sự hoà bình, giàu mạnh, độc lập, chủ quyền và tiến bộ xã hội.
Việc hiện thực hóa “Giấc mơ Trung Hoa”, “Giấc mơ châu Á - Thái Bình Dương” cho đến cả “Giấc mơ thế giới” đòi hỏi những nỗ lực chung và thực tế. Hội nghị APEC 2014 chỉ là điểm khởi đầu của lộ trình hướng tới tương lai, cùng phát triển và phồn vinh chung. Châu Á - Thái Bình Dương đang đứng trước những cơ hội lịch sử chưa từng có cũng như đang đối mặt với những rủi ro, thách thức phức tạp. Bởi vậy, phải đề cao các khái niệm tin cậy lẫn nhau, khoan dung, hợp tác và cùng thắng, nắm vững toàn diện cơ hội phát triển, không ngừng tăng cường hợp tác, kề vai sát cánh tiến lên, thúc đẩy giấc mơ lớn về hòa bình, ổn định và phồn vinh của khu vực, hơn nữa cho cả thế giới sớm trở thành hiện thực tươi đẹp.
Biên tập viên:Sảnh Hoa