Giao lưu nhân dân - Sợi chỉ đỏ gắn kết quan hệ Việt - Trung
Những năm gần đây, hoạt động ngoại giao nhân dân giữa Việt Nam và Trung Quốc diễn ra ngày càng nhộn nhịp, là nền tảng quan trọng tạo nên hiểu biết lẫn nhau, làm sâu sắc tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Ông Nguyễn Vinh Quang, nhà ngoại giao kỳ cựu, chuyên gia nghiên cứu các vấn đề Trung Quốc hàng đầu của Việt Nam cho rằng, giao lưu nhân dân Việt – Trung đã có từ ngàn năm nay, xuyên suốt lịch sử là sợi chỉ đỏ gắn kết quan hệ hai nước.
Suốt 45 năm gắn bó với công tác nghiên cứu Trung Quốc, ông Nguyễn Vinh Quang đã có kinh nghiệm ở cả 3 lĩnh vực đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân. Ông từng là Vụ trưởng Vụ Trung Quốc – Đông Bắc Á, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, là Công sứ - Phó Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc, và hiện đang là Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt – Trung.
Chia sẻ với Đài chúng tôi, ông Nguyễn Vinh Quang cho biết: “Là người đã may mắn được hoạt động trên cả 3 kênh quan hệ Đảng, Nhà nước và Nhân dân, tôi cảm thấy ngoại giao nhân dân đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong quan hệ Việt – Trung”.
Theo vị chuyên gia, mối quan hệ giữa hai nhà nước Việt Nam và Trung Quốc có từ năm 1950, đến nay là 73 năm. Quan hệ 2 Đảng Đảnggiữa những người cộng sản Việt Nam và cộng sản Trung Quốc đến nay đã được hơn 100 năm. Nhưng nếu nói về quan hệ nhân dân, đó là mối quan hệ hàng ngàn năm và xa hơn thế nữa.
Theo ông Nguyễn Vinh Quang, ngoại giao nhân dân giữa Việt Nam và Trung Quốc rất đặc biệt, không giống với các nước khác. Hai nước chúng ta có chung 1.400 km đường biên giới, núi liền núi sông liền sông. Suốt mấy nghìn năm nay hai dân tộc đã đi lại, đã buôn bán, đã giao lưu vì cuộc sống, tạo nên mối quan hệ vô cùng chặt chẽ. Đặc biệt nếu nói về văn hoá 2 nước, có lẽ có nhiều điểm tương đồng nhất trên thế giới. Đây là cơ sở vững chắc để vun đắp tình hữu nghị.
“Có những cách nói, tư duy của người Trung Quốc khiến người phương Tây không hiểu hoặc khó hiểu, nhưng người Việt Nam nghe thấy là hiểu ngay. Hoặc những tập quán của người Việt Nam, người Trung Quốc không lấy làm lạ. Đó là nhờ sự giao thoa văn hoá, ảnh hưởng lẫn nhau giữa hai dân tộc.Những câu chuyện, những điển tích trong văn học nghệ thuật, trong văn hoá đại chúng 2 nước rất nhiều điểm tương đồng, không nhiều khác biệt. Tình hữu nghị giữa nhân dân 2 nước cũng sâu sắc hơn là vì thế”, nhà ngoại giao chỉ ra.
Ông Nguyễn Vinh Quang cho rằng, quan hệ hữu nghị phải được xây dựng trên cơ sở hiểu biết lẫn nhau, nếu nhân dân 2 nước không hiểu biết lẫn nhau thì khó có thể xây dựng hữu nghị bền chặt được. Trên thế giới có một số dân tộc xung đột với nhau cũng xuất phát từ tôn giáo, từ truyền thống văn hóa, từ quan niệm giá trị. Họ không hiểu nhau, khó thông cảm cho nhau.
“Tôi lấy một ví dụ, sau khi xem một số bộ phim truyền hình Trung Quốc, người Việt Nam cảm thấy đồng cảm với người Trung Quốc. Tự người dân cảm thấy như vậy do sự gần gũi về văn hoá, tập quán, lối sống, cách tư duy, không phải do nhà ngoại giao nào chỉ đạo họ. Ngoại giao nhân dân giữa Trung Quốc và Việt Nam “đậm” hơn các nước khác nhờ sự gần gũi đó,” vị chuyên gia nói.