Cầu vồng Hữu nghị: Mùa tựu trường: “Mùa về” và “Tiếng leng keng”
Mùa tựu trường là mùa của những niềm vui, mùa của hương gió thơm nồng, của những tiếng cười trong trẻo đến lạ thường, của những khúc ca dịu êm tuổi mộng mơ và của nỗi niềm bâng khuâng khó nói về một ngày chia xa.
Xin gửi bao yêu thương cho một thời, của một thời không xa...
Với bạn Võ Long, mùa tựu trường là mùa của những niềm vui. Còn với bạn Viên Khoa, lưu học sinh Việt Nam tại Đại học An Huy, Trung Quốc, thứ mà Khoa khó quên nhất khi nhớ về ngôi trường cấp ba lại là tiếng leng keng. Tiếp sau đây, Mẫn Linh xin chân trọng giới thiệu với các bạn bài viết “Tiếng leng keng” của bạn Viên Khoa.
...
“Thu về rồi, cái nắng trước hiên nhà đã bớt hanh hao, vạn vật bớt sôi động mà bình lặng hơn, tâm hồn con người vì thế cũng trở nên an nhiên, tự tại hơn bao giờ hết. Cùng với đó gió thu bất chợt ùa về, có cái lạnh nhẹ, vướng lại chút hanh hao của ngày hè oi ả như để hong khô những kỷ niệm ướt đẫm mi ai và để ta hồi tưởng, nhớ thương về những gì thân thuộc nhất. Hôm nay, thu lại cùng tôi lật mở lại những trang nhật ký đẹp về năm tháng học trò với tiếng leng keng của những chùm chìa khóa nặng trĩu. Đó là tiếng vọng về từ quá khứ, ngỡ rất gần mà cũng đã rất xa, tiếng leng keng ấy, những chùm chìa khóa ấy, có lẽ là thứ mà tôi khó quên nhất khi nhớ về ngôi trường cấp ba dấu yêu, nhớ về hình ảnh những chú bảo vệ đáng mến mà tôi thường gọi họ là những “anh hùng giữ lửa” cho trường.
Khi vừa mới bước chân vào mái ấm thân thương này – trường tôi, tôi đã nghe không ít lời nhắc nhở về “kỷ luật thép” nơi đây. Vì thế, tôi kiêng dè với mọi thứ để tránh phạm phải bất kỳ lỗi lầm nào. Tuy nhiên, trong những ngày đầu bỡ ngỡ ấy, những người mà tôi cho rằng khô khan nhất đã đem lại thiện cảm đối với tôi - những chú bảo vệ; họ trái ngược hoàn toàn với tưởng tượng của tôi. Họ vô cùng dễ gần và thân thiện. Lúc tôi bối rối khi không biết rõ phòng ốc của trường phải đi như thế nào, các chú đã chỉ dẫn tận tình cho tôi. Những ngày tháng sau đó, tôi và chúng bạn đã thân thiết hơn với các chú. Sau những giờ hoạt động ngoại khóa, có dịp chuyện trò nhiều với các chú, các chú đã cho chúng tôi vô vàn những lời khuyên bổ ích, những sự đánh giá khách quan nhất, đồng cảm với từng suy nghĩ vô tư, con trẻ của chúng tôi và đương nhiên có những lúc rất nghiêm túc chấn chỉnh ngay những hành vi sai trái của chúng tôi.
Điều mà tôi ngưỡng mộ nhất ở các chú là chú nào cũng có trí nhớ thật siêu phàm. Tụi học trò, nhất là những đứa hay tham gia hoạt động của trường hoặc vô cùng nghịch ngợm, không có đứa nào là các chú không nhớ mặt, thậm chí còn nhớ học lớp nào, ai chủ nhiệm, đứa nào vi phạm lỗi gì, đứa nào hay trốn cửa đi trễ. Mấy năm xa trường, các chú vẫn còn nhớ tôi - thằng lớp trưởng cao lêu ngêu với bao trò tinh nghịch và không ít lần nài nỉ được ra khỏi trường hay xin các chú khóa cửa muộn để ở lại bàn công việc lớp.
Các chú cũng thích hù dọa tụi học trò chúng tôi lắm, bởi thế, một đứa hậu đậu như tôi cũng đã gặp không ít tình huống dở khóc dở cười. Có lần ở lại trường họp lớp, tôi quên không lấy xe. Khi ra về, chiếc xe đã “bốc hơi”. Tôi cuống cuồng chạy khắp trường tìm xe trong bộ dạng hoang mang, với gương mặt mếu máo. Mãi một lúc sau, khi mọi hy vọng vụt tắt, một chú đến vỗ vai tôi, tủm tỉm cười rồi dẫn tôi vào phòng bảo vệ. Không ngờ chiếc xe mà tôi ngỡ như đã “thất lạc” lại được cất cẩn thận ở đây. Thế mà các chú lại giả vờ như không hề hay biết làm tôi một phen thót tim. Một chú cười nhắc nhở tôi: “Lần sau cháu nhớ cẩn thận không mất xe đấy”. Qua lần đó, tôi đã bớt đãng trí, nhớ lời các chú dặn có làm gì cũng nhớ hết giờ ra lấy xe và khóa xe cẩn thận.